Rác thải nông thôn tại Quảng Bình: Nhiều địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng

05/06/2017 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi ngày càng đáng ngại. Môi trường là một trong 19 tiêu chí quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay bài toán xử lý rác thải nông thôn vẫn còn nan giải.

Xả thải tràn lan gây ô nhiễm

Rác thải lấp đầy ao hồ, chen ngang đường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoa màu, vật nuôi, cuộc sống người dân, đó là hình ảnh dễ bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn tại Quảng Bình trong những năm gần đây. Cùng với quá trình đô thị hóa nông thôn, nguồn rác thải sinh hoạt và rác thải từ hoạt động sản xuất ở những khu vực này đã gia tăng chóng mặt. Trong khi, công nghệ xử lý rác và ý thức giữ gìn môi trường của người dân chưa cao còn tạo ra áp lực lớn với chính quyền, với cơ quan chuyên môn trong quá trình kiểm soát ô nhiễm rác thải nông thôn. Tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề một phần là bởi kinh phí đầu tư cho việc xử lý rác thải còn thấp và công nghệ xử lý chưa đạt đủ tiêu chuẩn.

Tình trạng ô nhiễm rác thải môi trường nông thôn diễn ra nhiều nơi trên địa bàn Quảng Bình
Tình trạng ô nhiễm rác thải môi trường nông thôn diễn ra nhiều nơi trên địa bàn Quảng Bình

Chúng ta không khó để bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn những bãi rác tự phát được hình thành cạnh các con đường. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông như tại trục đường chính đi vào phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn rác thải tràn lan khắp đường, kênh dẫn nước vào tận ruộng lúa, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay.

Ông Trần Văn Thông có ruộng tại khu vực ô nhiễm rác thải phản ánh: “Một mùa vụ như thế thì có 3 đợt xả nước từ Vực Ròon để tưới cho lúa, tuy nhiên, kéo theo đó là đủ các loại rác thải, kể cả xác chết động vật tràn xuống ruộng lúa. Nếu như phát hiện sớm mà vớt rác lên thì lúa không sao, nhưng không phát hiện kịp thì chỉ 2-3 ngày, rác tràn xuống ruộng là lúa sẽ chết. Thậm chí những lúc mưa lớn nước tràn về thì rác không biết từ đâu cũng trôi theo vào ruộng rất nhiều. Ở đồng Công Kênh là điểm rác tràn về nhiều nhất, nhà tôi có hơn 2 sào lúa ở đó, năm ngoài không vớt được rác nên lúa bị chết gần một nửa ruộng. Chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền địa phương trong các cuộc họp hay nhũng lần tiếp xúc cử tri, nhưng do rác nhiều quá ban thủy lợi của phường, cũng như người dân đều chỉ có thể vớt rác lên khỏi ruộng lúa chứ chưa thể thu gom đưa đi nơi khác được nên vẫn ô nhiễm môi trường lắm”.

Việc xả thải tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường
Việc xả thải tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường

Tình trạng rác thải xả tràn lan gây ô nhiễm như vậy diễn ra tại nhiều vùng nông thôn khác của huyện Quảng Trạch, huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy,…Không chỉ đồng ruộng mà ngay cả dọc quốc lộ tình trạng rác thải gây ô nhiễm và không được quản lý. Đặc biệt là dọc theo QL 1A, đi qua địa phận xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh và Đèo Lý Hòa, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch nhiều bãi rác cũng được xả tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm nay, tại những địa điểm này rác thải không những không dược thu gom mà còn xử lý ngay tại chỗ bằng cách là đốt nên tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn.

Việc xả thải tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường
Việc xả thải tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường

Rác thải nông thôn hiện nay được phân chia thành 3 nhóm chính là rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp(tại các làng nghề) và rác thải nông nghiệp. Các loại rác thải này đang được xả ra môi trường nông thôn hằng ngày, mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, hiện nay việc quy hoạch, quản lý rác thải nông thôn còn nhiều bất cập, ý thức của người dân chưa cao nên tình trạng ô nhiễm rác thải nông thôn tại nhiều địa phương.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cảnh- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Trạch cho biết: “Vấn đề rác thải nông thôn luôn được huyện, tỉnh và các ban ngành quan tâm, hàng năm vẫn đẩy mạnh các phương án thu gom xử lý rác thải, Thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thục hiện nhiều biện pháp thu gom rác thải. Tuy nhiên, tình trạng rác thải tại nhiều xã vẫn còn ô nhiễm, xả tràn lan là do ý thức của người dân. Người dân chưa thực hiện thu góm rác đứng nơi quy định, theo kiểu tiện đâu là vứt đó nên tình trạng ô nhiễm rác thải môi trường nông thôn vẫn còn. Bên cạnh đó, do địa bàn nhiều xã rộng, địa hình phức tạp cũng gây khó khăn cho việc quy hoạch cũng như thu gom rác thải”.

TX.Ba Đồn và huyện Quảng Trạch đang phải dùng chung một bãi rác
TX.Ba Đồn và huyện Quảng Trạch đang phải dùng chung một bãi rác

Tại nông thôn, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phần lớn do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận cùng người dân, đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt, từng bước hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan. Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chi cục phát triển nông thôn Quảng Bình năm 2016, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 80 xã đạt tiêu chí về môi trường, đạt gần 60%.

Một số hình ảnh về tình trạng ô nhiễm rác thải nông thôn tại Quảng Bình
Một số hình ảnh về tình trạng ô nhiễm rác thải nông thôn tại Quảng Bình

Trao đổi về tình hình rác thải nông thôn trên địa bàn, ông Phan Xuân Hào - Chi cục trường Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, cho biết: “Sở rất quyết liệt trong việc đầu tư nâng cấp một loạt những bãi rác, sau đó bàn giao cho các Ban quản lý công trình công cộng huyện, họ cũng hoạt động tích cục, nhưng nguồn nhân lực hạn chế, vận hành không đúng, máy lu lèn không có, do đó đi không đúng quy trình xử lý nên hiểu quả rất thấp. Phạm vi thu gom còn hạn chế, xe chuyên dụng không đầy đủ để thu gom trong toàn xã của một huyện nên sinh ra vấn đề rác thải tràn lan. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa tốt, không có sự tổ chức nên dân họ sẽ vứt rác ra ngoài”.

Tại báo cáo thông kê tình hình thu gom, xử lý rác thải đầu năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, một số địa phương như  huyện Lệ Thủy có khoảng 61 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 45,5 tấn/ngày đạt 74,6%; huyện Quảng Ninh có  khoảng 40,3 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 38  tấn/ngày đạt 94,3%; địa bàn huyện Bố Trạch có  khoảng 80,9 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 36 tấn/ngày đạt 44,5%; tại địa bàn thị xã Ba Đồn rác phát sinh khoảng 60,2 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 45 tấn/ngày đạt 74,6%; huyện Quảng có khoảng 48,5 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 29 tấn/ngày đạt 59,8%.

Như vậy lượng rác thải phát sinh mỗi ngày ở nhiều địa phương vẫn còn rất lớn, nhưng công tác xử lý rác vẫn chưa đạt được hiểu quả cao, số lượng rác thải tồn dư lại là khá lớn.

Tình trạng phát sinh rác thải ngày càng tăng của nhiều địa phương gây nên quá tải, trong khi đó việc thu gom và xử lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, máy móc và các thiết bị thu gom, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế.

Giải pháp nào để hạn chế rác thải nông thôn?

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhà nước có vai trò chủ đạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, hướng đến một môi trường sống xanh-sạch-đẹp, tạo tiền đề cho kinh tế-xã hội ở các địa phương phát triển bền vững.

Hiện nay ở một số địa phương rác thải hàng năm không ngừng tăng, gây áp lực đối với môi trường và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Ngoài việc xây dựng các điểm tập kết rác thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các khu xử lý rác thải... thì việc triển khai huy động các mô hình tự quản, đảm nhận vệ sinh các tuyến đường được giao cho các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, các thôn, nhóm, tổ...đang được nhân rộng.

Trao đổi về những phương hướng, giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm rác thải nông thôn, Ông Phan Xuân Hào- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, cho biết: “Bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn là vấn đề quan trong của phát triển kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp bền vững nên cần có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ từ nhận thức đến cơ chế chính sách và tổ chức chỉ đạo thực hiện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Giải pháp và hướng sắp tới tỉnh sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy lớn với khả năng có thể thu gom phần lớn rác thải trên địa bàn tỉnh để xử lý làm phân bón. Sở sẽ thực hiện năng cấp và hoàn thiện các bãi rác cấp huyện, còn với những địa phương địa bàn rộng, tách biệt khó thu gom sẽ đề xuất tỉnh xây dựng những nhà máy xử lý rác nhỏ. Lập kế hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực các ban ngành cấp huyện, thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện công tác thu gom rác đứng nơi quy định”.

Theo đó, các cấp, các ngành và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên, con người và xã hội.

Đồng thời cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn nước ta hiện nay. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế xã hội tại mỗi địa phương khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau nên việc cần kíp hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.

“Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này trên các địa bàn nông thôn, như các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường, các cơ sở y tế, các tổ chức đoàn thể có liên quan để đảm bảo cho công tác tuyên truyền, giáo dục và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn có hiệu quả hơn”, ông Phan Xuân Hào- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình chia sẻ thêm.

Bài & ảnh: Hồng Thiệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rác thải nông thôn tại Quảng Bình: Nhiều địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO