Theo bà Vũ Thị Hoa (phố Đinh Lễ, Hà Nội), không riêng lễ đón năm mới 2018 vừa qua, mà sau nhiều sự kiện khác, người dân sống quanh khu vực Hồ Gươm đã quá quen với hình ảnh cây cỏ bị giẫm nát, rác thải vứt bừa bãi khắp nơi. Bà kết luận do ý thức của nhiều người rất kém, không có thói quen giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
“Tôi chứng kiến những gia đình đưa trẻ nhỏ lên phố đi bộ dự các sự kiện. Trong khi trẻ em có ý thức, hỏi bố mẹ chỗ vứt rác thì người lớn lại thản nhiên ném luôn rác ra đường. Người lớn không gương mẫu làm sao dạy được trẻ nhỏ.
Hay như sự kiện đếm ngược đón Tết 2018 vừa diễn ra, tham gia chương trình phần lớn là các bạn trẻ. Nhưng hình ảnh đọng lại như thế nào thì cả nước biết rồi đấy: Hoa, thảm cỏ bị san phẳng, giẫm nát hết, hàng tấn rác vương vãi khắp nơi” – bà Hoa chia sẻ.
Nguyễn Thị Hồng Diệp, quản lý một cửa hàng trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, nhiều khi chị thấy hoang mang khi chứng kiến cảnh xả xác bừa bãi của người trẻ.
“Ý thức của nhiều bạn trẻ thời nay hơi tồi. Sau mỗi lần tổ chức sự kiện, hồ Hoàn Kiếm lại vương đầy rác. Có người nói vì quá đông, muốn tìm đến chỗ có thùng rác cũng rất khó. Tôi lại không nghĩ vậy, đó chỉ là bao biện thôi.
Ví dụ các bạn trẻ của Hàn Quốc, Nhật Bản, họ vào cửa hàng của tôi, khi ăn uống xong bao giờ cũng giữ rác trên tay. Nếu chưa tìm thấy thùng đựng rác, họ sẽ vẫn cầm theo cho đến khi tìm thấy mới thôi. Còn các bạn trẻ Việt Nam và phần đông người dân vẫn có thói quen tiện đâu vứt đó” - chị Diệp chia sẻ.
Ông Tạ Duy Khoa (phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì cho biết, ông từng nhiều lần hoảng sợ khi chứng kiến cảnh các bạn trẻ trèo cả lên ban công nhà ông để xem ca nhạc. Họ trèo cả lên thùng rác, nhà vệ sinh công cộng để hò hét, nhảy nhót theo nhạc.
“Các bạn trẻ chỉ nghĩ làm sao để vui thôi, còn không có ý thức giữ gìn cảnh quan, văn minh lịch sự. Các bạn bị sự cuồng nhiệt làm cho quên hết. Người trẻ mà ngay cả việc ứng xử văn minh nơi công cộng cũng chưa làm được thì thật đáng buồn”- ông Khoa chia sẻ.