Rà soát, xây dựng các văn bản luật liên quan đến chất thải rắn

21/02/2019 17:23

(TN&MT) - Ngay sau khi được Chính phủ giao chịu trách nhiệm quản lý đối với tất cả các loại chất thải rắn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng triển khai các giải pháp để tăng cường quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới.

HNM 9002
Nhãn

Tại cuộc họp về các phương án triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 09 mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý chất thải rắn cần rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng mới các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn; xây dựng cơ chế ưu đãi dành cho việc xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn nhằm thu hút vốn đầu tư; cần sắp xếp nhân sự để kiện toàn bộ máy quản lý từ cấp Trung ương đến cấp địa phương. Tổng cục Môi trường cần rà soát lại quy hoạch bảo vệ môi trường hiện có của các tỉnh và lồng ghép vào quy hoạch của quốc gia…

Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tài, việc thu gom, vận chuyển, phân loại chất thải rắn có thể thực hiện theo hình thức xã hội hóa nhưng việc xử lý phải gắn với quy hoạch của các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước về đầu tư công đang thuộc trách nhiệm của nhiều Bộ, do đó, cần xác định rõ vai trò của từng Bộ và của Bộ TN&MT trong việc quyết định, cho phép đầu tư vào các dự án xử lý chất thải rắn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường phối hợp với Vụ Pháp chế của Bộ rà soát, xem xét một cách kỹ lưỡng lại các văn bản pháp luật có liên quan, trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện phương án thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn. Theo đó, những vấn đề không mâu thuẫn với luật, thuộc thẩm quyền của Chính phủ như các quy định về phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trong việc quản lý chất thải rắn, sẽ làm tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Nghị định sửa đổi các Nghị định thi hành Luật Bảo vệ môi trường; một số vấn đề vướng mắc về luật như cơ chế, chính sách về tài chính, xã hội hóa, phí, lệ phí, thuế... không thể đưa vào Nghị định nêu trên, cần chuẩn bị ngay Đề án trình Chính phủ báo cáo Quốc hội nhằm ban hành Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi một số các bất cập để có thể thực hiện ngay trong năm nay.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Quản lý rác thải rắn là thách thức nhưng cũng là cơ hội, chúng ta cần có tinh thần triển khai nghiêm túc, chủ động hơn nữa trong quản lý chất thải rắn. Bộ trưởng đã chỉ ra 3 nhóm công việc để các đơn vị thực hiện. Trong đó, yêu cầu Tổng cục Môi trường phải đặc biệt chú trọng rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; đánh giá tình trạng định mức, đơn giá, cơ chế, chính sách phí, giá hiện nay; đánh giá các loại công nghệ xử lý chất thải rắn theo đặc thù chất thải, vùng, miền để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, danh mục công nghệ, tiêu chí lựa chọn công nghệ tốt nhất... Đây là công cụ hiệu quả, điểm mấu chốt của công tác quản lý chất thải, cơ sở xác định các hình thức công - tư. Do đó, trong quá trình triển khai cần mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước, các doanh nghiệp có công nghệ xử lý chất thải tốt nhất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu, đến tháng 6/2019, Tổng cục Môi trường phải trình toàn bộ quy hoạch về môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và quan trắc môi trường, trong đó, gắn các vấn đề về quản lý vào các quy hoạch, xem xét, xác định rõ trách nhiệm quản lý của Bộ TN&MT và các Bộ, ngành địa phương, từ đó, phân cấp trách nhiệm triệt để, tránh sự chồng chéo. Tổng cục phải nhanh chóng phân công đơn vị thực hiện xây dựng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và việc tổ chức thực hiện.

Để triển khai không bị chồng chéo, Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế của Bộ chủ động phối hợp với Tổng cục Môi trường rà soát, đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường, chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý chất thải rắn. Từ đó, đề xuất mô hình tổ chức, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ.

Việc triển khai các hành động này thể hiện những hoạt động mạnh mẽ và trách nhiệm mang tính chủ động của Bộ TN&MT trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2025: Thu gom, vận chuyển và xử lý 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề và 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; thay thế túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị bằng các túi nilon thân thiện với môi trường; thu gom và xử lý 80% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn...

 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát, xây dựng các văn bản luật liên quan đến chất thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO