Rà soát và loại bỏ cây độc ở Thủ đô

11/05/2017 00:00

(TN&MT) – Trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo “Thân thiện với môi trường Thủ đô” ngày 9/5, ông Vũ Văn Dũng – Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, Hà Nội phải có kế hoạch rà soát, kiểm kê lại toàn bộ cây xanh; với những cây độc phải kiên quyết chặt bỏ, tuyệt đối không được trồng trong vườn trẻ, trường học.

Theo ông Vũ Văn Dũng, để phục vụ công tác quản lý bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, trước đây đơn vị đã tiến hành điều tra cây bóng mát và cây cổ thụ của thành phố trong phạm vi 9 quận nội thành. Theo số liệu thống kê ban đầu, Hà Nội có khoảng gần 150.000 cây xanh bóng mát; tỷ lệ che phủ cây xanh bình quân ở Thủ đô còn thấp với 7m2/người. Nhìn chung, với một thành phố đông dân cư và tập trung như Hà Nội việc tăng số lượng và diện tích cây xanh là cần thiết để giảm mức độ ô nhiễm môi trường.

Chuyên gia Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra những tồn tại của cây xanh và cây cổ thụ Hà Nội. Trong đó, nhiều cây đã già cỗi, sâu bệnh; nhiều cây bị các cây Đa, si thắt nghẹt hoặc nhiều loài cây phụ sinh, ký sinh; bị tác động bởi các hành động vô ý thức của con người như: hiện tượng đóng biển quảng cáo, đặt bếp lò, phóng uế quanh gốc cây khiến cho nhiều cây bị suy yếu hoặc chết; nhiều cây cổ thụ, cây bóng mát bị “bức tử” để lấy đất xây dựng, cho thông thoáng cửa hàng, cửa hiệu…

Ông Vũ Văn Dũng – Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Vũ Văn Dũng – Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo ngày 9/5

Nghiêm trọng hơn, một số loài cây ở Hà Nội có ảnh hưởng xấu tới môi trường và cây độc gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng con người cần chặt bỏ như Dâu da xoan, Trứng cá, Dướng, Bông gòn... Đặc biệt là cây Vông đồng gần đây đã gây ngộ độc cho nhiều em học sinh ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Vũ Văn Dũng cho biết, ở Hà Nội phải kể đến cây Sưa, một loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đã được trồng trên đường phố và nhiều khu vực ở Thủ đô thời gian qua. Tuy nhiên, thực chất có hai loại cây Sưa là Sưa đỏ và Sưa trắng, điều này chắc chắn không phải ai cũng biết. Sưa trắng rất đẹp nhưng lại vô cùng độc lại đang là cây phát triển ở Hà Nội trong thời gian qua. Hay như ở vườn Bách thảo có loại cây rất độc khác là cây Sinh, ngồi ở gốc cây đó mà chạm vào thân dính nhựa cây sẽ vô cùng nguy hiểm.

Ngoài ra, một số loại cây rất dễ gẫy cành như cây Dâu da xoan, Trứng cá…vẫn đang hiện hữu trên các đường phố ở Thủ đô.

Cây Sưa trắng là loài cây được trồng phổ biến ở Hà Nội thời gian gần đây
Cây Sưa trắng là loài cây được trồng phổ biến ở Hà Nội thời gian gần đây

Được biết, vừa qua sau khi xảy ra sự việc 20 em học sinh Trường tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài, nôn ói vào ngày 20/4. Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các trường học rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc trong khuôn viên trường học.

Theo đó, ông Vũ Văn Dũng cho rằng, trước mắt Hà Nội phải khẩn trương có kế hoạch kiểm kê, rà soát lại toàn bộ cây xanh trên địa bàn; đặc biệt lưu ý những cây tuyệt đối không được trồng trong vườn trẻ, trường học. Đối với những cây độc, dễ gãy cành phải kiên quyết chặt bỏ và không trồng trong khuôn viên các trường học, vườn trẻ. Trong tương lai, tiến tới thành lập bản đồ cây xanh Hà Nội để tăng cường quản lý, giám sát cây xanh góp phần giảm mức độ ô nhiễm, thân thiện hơn với môi trường Thủ đô.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát và loại bỏ cây độc ở Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO