Theo đại biểu tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, mặc dù địa phương đã có nhiều cố gắng bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và sắp xếp, ổn định dân di cư tự do nhưng vẫn còn tình trạng một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa ổn định nơi ở, nơi sản xuất do chưa có quỹ đất để sắp xếp, bố trí.
Để ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tỉnh đề nghị xem xét cho tỉnh cơ chế đặc thù được sử dụng diện tích đất tại các Công ty nông, lâm nghiệp và các dự án sử dụng đất không hiệu quả hoặc bị lấn chiếm, xâm canh, xâm cư, sử dụng trái phép (đất trên giấy tờ là đất lâm nghiệp nhưng trên thực tế không còn rừng, đã bị chuyển thành đất ở, đất sản xuất từ nhiều năm), khó có khả năng thu hồi, để bố trí đất ở và đất sản xuất cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực sự thiếu đất (hộ chưa từng được bố trí đất ở, đất sản xuất hoặc bố trí chưa đủ diện tích) và tái định cư tại chỗ đối với dân di cư tự do (những vùng đã thành buôn, làng, có nơi ở và nơi sản xuất ổn định).
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để ổn định dân di cư tự do trên trên địa bàn cả nước nói chung và tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng thì cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho hộ dân không có đất và thiếu đất. Việc này đã được các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai lồng ghép trong các Chương trình, dự án có các nội dung liên quan, trong đó có việc rà soát, xác định các hộ và khu vực bố trí đất ở, đất sản xuất từ phần diện tích đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương.
Đặc biệt, ngày 9/12/2018 tại Hội nghị “Giải pháp, ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại Tây Nguyên” Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo rất quyết liệt trong đó đã yêu cầu: phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”.
Bên cạnh đó, rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do và các hộ nghèo thiếu đất sản xuất… đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án sử dụng đất, ưu tiên bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất và dân di cư tự do, giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.
Đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi rà soát, sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ để đề xuất phương án xử lý đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tịch đất giữ lại, mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách. Phần diện tích dôi dư ưu tiên giao hoặc cho thuê cho người dân tại chỗ là những người đang trực tiếp nhận khoán, thuê, mướn lại đất của nông lâm trường để đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả.
Ngoài ra, khẩn trương triển khai xây dựng và chia sẻ dữ liệu về tình hình quản lý, sử dụng đất đai cho khu vực biên giới để Chính phủ và các địa phương huy động, phân bổ và khai thác hợp lý nguồn lực đất đai; làm cơ sở để các Bộ, ngành triển khai các chương trình, nhiệm vụ nhằm phát triển kinh tế xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.