Quy hoạch và đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở Gia Lai

17/08/2015 00:00

(TN&MT) - Quy hoạch và đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở tỉnh Gia Lai đang là một trong những biện pháp phát huy hiệu quả trong việc quản lý, khai thác và sử...

 

(TN&MT) - Quy hoạch và đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở tỉnh Gia Lai đang là một trong những biện pháp phát huy hiệu quả trong việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Ngoài việc góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước, chính sách mới này còn làm giảm đi rất lớn những tác động xấu đến môi trường cũng như đời sống của người dân quanh khu vực khai thác, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Là tỉnh có nguồn khoáng sản chỉ ở mức trung bình, song Gia Lai cũng đang tiến hành cải cách và đưa những chính sách mới vào quản lý để khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn tài nguyên này. Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có các mỏ đá Granite, mỏ quặng sắt, vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá, đất, than bùn… Tuy nhiên đa số các mỏ có trữ lượng không cao, phân bố khắp các huyện của tỉnh như Ia Grai, Mang Yang, Phú Thiện, Ayun Pa, Kông Chro…

Hiện toàn tỉnh có trên 60 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có 2  mỏ khai thác đá vôi do Trung ương cấp phép cho đơn vị là Công ty cổ phần Sông Đà IaLy và Nhà máy xi măng Gia Lai. Tuy nhiên, do khoảng cách mỏ nằm ở xa, công nghệ khai thác không đảm bảo nên hiện Nhà máy xi măng Gia Lai đã ngừng hoạt động, việc khai thác khoáng sản tại mỏ được cấp phép của nhà máy cũng đóng cửa. Dựa trên những quy định của Luật khoáng sản 2010 và bảng giá để đấu giá khai thác khoáng sản, năm 2014, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch, lập kế hoạch, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tháng 6 vừa qua, phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt I - năm 2015, cũng là phiên đấu giá đầu tiên của tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai chủ trì thực hiện đã được tổ chức thành công.

Ông Lương Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai cho biết: “Qua phiên đấu giá đợt I-2015, giá trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thấp nhất chiếm trên dưới 5% mức tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản, cá biệt có những mỏ, số tiền trúng đấu giá tăng gấp 10 lần so với mức giá đưa ra ban đầu. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã làm tăng mức thu quyền khai thác khoáng sản so với không đấu giá. Từ đó, đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước”.

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản không những là đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản cho phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường đúng theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Đây được coi là chính sách quan trọng giúp tỉnh thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước và mục đích cao nhất là phát huy tốt được tiềm năng khoáng sản trên cơ sở bảo đảm khai thác hiệu quả, tiết kiệm, không gây thất thoát, lãng phí tài nguyên.

Với việc đấu giá công khai, quyền khai thác khoáng sản sẽ được coi như các loại hàng hóa thông thường khác. Tuy nhiên, do hoạt động đấu giá được thực hiện khi công tác thăm dò trữ lượng chưa được thực hiện khiến không ít doanh nghiệp e dè, đắn đo vì sợ mạo hiểm. Theo ông Bình, áp lực về quy định số tiền trúng đấu giá phải đóng một lần trong thời hạn 30 ngày sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản quá lớn. “Có những dự án số tiền này lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí cao hơn thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Điều này có thể sẽ khiến doanh nghiệp “lách luật” bằng cách xé lẻ dự án để giảm chi phí ban đầu, gây áp lực cho công tác quản lý”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, ngoài những lợi ích do khai thác khoáng sản mang lại thì lĩnh vực này cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục và hoàn thiện. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra khá nhiều trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tiêu biểu như tại xã Dun (huyện Mang Yang), xã Hà Tây (huyện Chư Pah)... Công tác phối hợp trong quản lý việc khai thác khoáng sản giữa chính quyền địa phương và cấp quản lý chưa thực sự đồng nhất và có hiệu quả cao. Đặc biệt, trong đợt giám sát mới đây về các vấn đề xung quanh việc khai thác khoáng sản của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai cho thấy, có nhiều doanh nghiệp tiến hành khai thác khoáng sản nhưng chưa chú trọng đến môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực khai thác. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ, phục hồi môi trường sau khai thác hoặc số tiền này quá lớn khiến các doanh nghiệp không có khả năng chi trả…

Thời gian tới đây, khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản ngày càng được hoàn thiện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản được tăng cường; công tác giải quyết hồ sơ giấy phép hoạt động khoáng sản được cải tiến rõ rệt; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản được duy trì và tiếp tục đẩy mạnh. Với việc áp dụng những chính sách mới trong Luật khai thác khoáng sản, góp phần rất lớn để chấn chỉnh hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay, tránh lãng phí tài nguyên, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Quế Mai

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch và đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở Gia Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO