Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Cả nước hiện có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn. Tổng lượng nước mặt trung bình năm khoảng 830-840 tỷ m3 được tập trung chủ yếu trên 9 lưu vực sông lớn, bao gồm: Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Tuy nhiên, khoảng 63% nguồn nước mặt (tương ứng với 520 tỷ m3) đến từ nước ngoài, chỉ có gần 310 tỷ m3 mỗi năm được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng trữ lượng tiềm năng nguồn nước dưới đất khoảng 63 tỷ m3/năm.
Quy hoạch tài nguyên nước phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng, từng lưu vực sông. Ảnh minh họa |
Theo ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cũng như nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, nước ta đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến nguồn nước. Tài nguyên nước ở nhiều nơi suy giảm nghiêm trọng; tình trạng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặt, nước biển dâng, triều cường, sạt, lở bờ sông, biển ngày càng trầm trọng...
Sức ép của phát triển kinh tế -xã hội, tăng dân số, đô thị hóa đã và đang làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, phát sinh những mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng, tài nguyên nước trên một số lưu vực sông đang đứng trước nguy cơ suy thoái, ô nhiễm. Biến đổi khí hậu cũng đã và đang tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước.
Ông Châu Trần Vĩnh cũng chia sẻ, tài nguyên nước Việt Nam và công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay đã và đang phải đối mặt với việc tài nguyên nước mặt phân bổ không đều theo cả không gian và thời gian, phụ thuộc vào nguồn nước đến từ quốc tế, thiếu nước trong mùa khô, khai thác quá mức tài nguyên nước trong mùa khô, gia tăng nhu cầu sử dụng nước, thiếu quy hoạch tài nguyên nước và hiệu suất sử dụng nước thấp…
Trước thực tế đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Quản lý Tài nguyên nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu là phải xác định được các mục tiêu cơ bản, có tính chất chủ đạo, xuyên suốt trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước (điều hòa, phân bổ tài nguyên nước), bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra thời kỳ 2021- 2030, đồng thời phải xác định được tầm nhìn đến năm 2050 đối với tài nguyên nước của quốc gia.
Cụ thể, phải xác định được các mục tiêu, định hướng cơ bản về khai thác, sử dụng, bảo về TNN và phòng, chống các tác hại do nước gây ra thời kỳ 2021 - 2030 đối với nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất theo vùng kinh tế, theo lưu vực sông, nhóm các lưu vực sông và các đảo; Quy hoạch tài nguyên nước phải ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt; đảm bảo phát triển bền vững, mang tính chiến lược, ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
PGS.TS. Phạm Quý Nhân (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết, cấp bách và cần phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ này được thực hiện trên cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng. Chính vì thế, để việc lập quy hoạch hiệu quả cao, Cục Quản lý Tài nguyên cần lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh sửa một cách nghiêm túc từ thành viên Hội đồng, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có liên quan.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, quy hoạch tài nguyên nước phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng, từng lưu vực sông; phải liên kết với các ngành sử dụng nước khác nhau để phát triển bền vững, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu.
Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý đến các vấn đề trong xây dựng quy hoạch tài nguyên nước như: quan hệ giữa quy hoạch tài nguyên nước với các quy hoạch khác để thống nhất, hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các đối tượng; phân vùng quy hoạch bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực; phải ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt; bảo đảm tính toàn diện, gắn kết giữa nước mặt và nước dưới đất; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...