Quy hoạch tài nguyên nước: Cần chuyên gia giàu kinh nghiệm

27/07/2016 00:00

(TN&MT) - Trong hội thảo gần đây bàn về vấn đề quy hoạch tài nguyên nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó BĐKH, nhiều nhà khoa học đã đưa ra những nhận xét đáng để giới chuyên môn, quản lý giật mình về những nguyên nhân khởi thủy cho vấn đề xâm mặn và thiếu nước thời gian qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Giáo sư Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, vấn đề hạn mặn, thiên tai đừng đổ lỗi hết cho El Nino, bởi đến nay, những căn cứ khoa học về ảnh hưởng của nó tới khí hậu, thời tiết và khô hạn tại Việt Nam còn quá thiếu.

 Theo phân tích của Giáo sư Hồng: Duyên hải miền Trung chịu El Nino kéo dài hơn một năm, mưa ít, lượng bốc hơi nhiều, nên người dân phải xuống tận đáy hồ để lấy nước nhưng vẫn không lấy được, vì nạn phá rừng ở Tây Nguyên cách đây nhiều năm, bây giờ, không có nguồn nước ngầm xuống được. Như vậy, thiếu nước này không phải do trời mà do chiến lược phát triển của ta quá ồ ạt, người dân tự phát phá rừng mất thảm thực vật, dẫn đến hết nguồn nước ngầm. Đáy hồ không có nước không phải hoàn toàn do thiên tai mà còn có bàn tay phá hoại của con người.

 GS. Hồng cho rằng, giữa Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung gắn bó với nhau về nước, nếu rừng Tây Nguyên mất, Duyên hải miền Trung không có nước. Tại sao Đồng bằng Sông Cửu Long mặn xâm nhập sâu? Theo diễn biến kịch bản hiện tại, nước biển dâng mỗi năm 1 mm, không giá trị. Nhưng động thái làm chúng ta ngập sâu trong hạn mặn là chính sách khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản, quảng canh. Người dân phá rừng ngập mặn để kéo nước mặn vào để nuôi thủy sản, thậm chí, những vùng trồng lúa họ bỏ luôn để đưa nước mặn vào – vấn đề này được chính quyền địa phương khuyến khích; trong lúc thủy lợi chưa thể tính đến cách xử lý tình thế này.

Quản lý Nhà nước buông lỏng, dẫn đến mất hiệu lực, nên xâm nhập mặn tràn lan khi lũ đầu nguồn bị hạn chế từ sông Mê Kông. Gần đây, đứng trước thực trạng hạn hán và ngập mặn trên diện rộng, nhiều nhà khoa học cho rằng, cần phải chuyển hướng sản xuất nông nghiệp, nhất là giảm bớt diện tích trồng lúa. Nhưng dường như chúng ta chưa có một giải pháp cụ thể nào để giúp người dân thực hiện được việc chuyển đổi này.

Bài toán thiếu nước và xâm nhập mặn phải đi cùng chiến lược phát triển. Tái cấu trúc nông nghiệp thực chất phải dừng phát triển, củng cố lại theo hướng chia vùng: vùng mặn nhiều nuôi trồng thủy sản, vùng ít mặn trồng một vụ lúa, một vụ thủy sản, còn vùng hoàn toàn không mặn trồng lúa. Đó là cả quy hoạch. Từ quy hoạch, chúng ta mới đưa ra được kế hoạch và xây dựng dự án rồi đưa vào thực hiện.

 Để giải quyết bài toán thiếu nước, cần có các chuyên gia, các nhà khoa học có kiến thức và nhiều kinh nghiệm. Với thủy lợi, nghiêng về kinh nghiệm nhiều hơn. Không thể áp dụng nguyên xi những con số, công thức của các nước đưa vào, bởi vì địa hình, địa chất, thủy văn, khí tượng, thổ nhưỡng, cây trồng, ở Việt Nam khác với các nước khác.

Chẳng hạn, mưa xuống bao nhiêu, ngập úng – điều này chỉ Việt Nam mới biết được, nước ngoài họ không biết, vì chúng ta là đất vùng nhiệt đới, mà đất ở sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là đất bồi tích. Cho nên, phải tận dụng nguồn tư liệu cục bộ trong nước và địa phương mới có thể tính được những bài toán cụ thể như thế này. Ví dụ, cần bao nhiêu nước để tưới lúa cho một vùng đất cụ thể, phải có người đã từng chỉ đạo trồng lúa trong nhiều năm mới tính được.

Minh Thư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch tài nguyên nước: Cần chuyên gia giàu kinh nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO