Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 phải đáp ứng được nhiều mục tiêu

12/11/2015 00:00

(TN&MT) - “Sau 5 năm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015, còn nhiều tồn tại về việc thực hiện quy hoạch như: Chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành, đảm bảo tính liên vùng và chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường…”.Đó là những vấn đề được chỉ ra tạiDự thảo Báo cáo Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 cấp quốc gia do Bộ TN&MT đang lấy ý kiến.

Khắc phục nhiều điểm yếu trong quản lý đất đai

Theo Dự thảo Báo cáo, thông qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhận thức về vị trí, vai trò và ý thức chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp chính quyền và người sử dụng đất được nâng lên; công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung mà pháp luật đất đai quy định; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã cơ bản bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; từng bước khắc phục được tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo sự chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo quốc phòng, an ninh…

Theo đó, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất trong 5 năm qua đạt bình quân khoảng 94,53% so với các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011, trong đó: Nhóm đất nông nghiệp vượt 0,91%, nhóm đất phi nông nghiệp đạt 91,03%, nhóm đất chưa sử dụng còn lại đạt 91,66%. Về chi tiết, có 04 chỉ tiêu vượt chỉ tiêu Quốc hội duyệt (nhóm đất nông nghiệp; đất cơ sở văn hóa; đất cơ sở y tế; đất di tích danh thắng), có 09 chỉ tiêu đạt từ 90% đến dưới 100% so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (đất trồng lúa; đất chuyên trồng lúa nước; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất; đất nuôi trồng thủy sản; nhóm đất phi nông nghiệp; đất phát triển hạ tầng; đất ở tại đô thị; nhóm đất chưa sử dụng còn lại), có 07 chỉ tiêu đạt từ 70% đến dưới 90% so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (đất làm muối; đất an ninh; đất khu công nghiệp; đất cơ sở giáo dục - đào tạo; đất cơ sở thể dục thể thao; đất bãi thải xử lý chất thải, diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng). Riêng chỉ tiêu đất rừng phòng hộ và đất quốc phòng không tính tỷ lệ thực hiện do chỉ tiêu Quốc hội duyệt tăng nhưng thực tế thực hiện lại giảm. Cụ thể, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015),: Nhóm đất nông nghiệp: 26.791,58 nghìn ha, chiếm 80,87% diện tích tự nhiên, vượt 0,91% so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt; Nhóm đất phi nông nghiệp: 4.049,11 nghìn ha, chiếm 12,22% diện tích tự nhiên, đạt 91,03% so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt; Nhóm đất chưa sử dụng: 2.288,00 nghìn ha, chiếm 6,91% diện tích tự nhiên, đạt 91,66% so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính liên vùng và đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính liên vùng và đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu.

Cần đáp ứng nhiều mục tiêu hơn nữa

Tuy nhiên, công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn này cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại như: chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành, đảm bảo tính liên vùng và chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dựa trên các dự báo về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Trung ương; tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp; trong khi việc nắm bắt thông tin và dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp còn hạn chế, độ chính xác chưa cao; kế hoạch sử dụng đất chưa xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với tiến độ các công trình dự án…

Nguyên nhân là quy định của pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa đồng bộ. Đặc biệt, trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, căn cứ để quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn dựa trên nhiều loại quy hoạch khác; song các quy hoạch này chưa kết nối với nhau, quy hoạch của các ngành thường vượt ra ngoài khung của quy hoạch sử dụng đất . Nhất là, nhiều địa phương đã sử dụng quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong khi các quy hoạch này nhiều khi có sự sai khác so với quy hoạch sử dụng đất (do khác nhau về cơ quan chịu trách nhiệm lập quy hoạch, khác nhau về thẩm quyền xét duyệt quy hoạch...), từ đó đẫn đến tình trạnh quy hoạch sử dụng đất bị phá vỡ, bị vô hiệu hóa).

Để thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 cấp quốc gia, Dự thảo Báo cáo đề xuất mục tiêu giai đoạn 2016 -2020 là phải đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Trên cơ sở hiện trạng sử dụng đất, kết quả thực hiện 5 năm (2011 - 2015), tiềm năng đất đai, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đến năm 2020 của cả nước; quy hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực; nhu cầu sử dụng đất của các Bộ, ngành và địa phương, cân đối và xác định các chỉ tiêu điều chỉnh phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 – 2020 là: Nhóm đất nông nghiệp 27.038,09 nghìn ha, chiếm 81,62% diện tích tự nhiên; Nhóm đất phi nông nghiệp 4.780,24 nghìn ha, chiếm 14,43% diện tích tự nhiên; Nhóm đất chưa sử dụng 1.310,48 nghìn ha, chiếm 3,96% diện tích tự nhiên.

Trong 5 năm tới (2016-2020), sẽ tập trung đầu tư cải tạo, khai thác thác đưa vào sử dụng 977,64 nghìn ha đất chưa sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp; đến năm 2020 diện tích đất chưa sử dụng của cả nước còn 1.310,36 nghìn ha, so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt là 1.483,28 nghìn ha thì đất chưa sử dụng sẽ giảm thêm là 172,92 nghìn ha.

Tuyết Nhi

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 phải đáp ứng được nhiều mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO