Quy hoạch sản xuất ngành thép: Những điểm bất hợp lý

04/01/2017 00:00

(TN&MT) - Công bốđầu tháng 11/2016, dự thảo Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025 của Bộ Công Thương, định hướng đến năm 2035, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, người dân và các tổ chức. Nhiều địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đã có những góp ý, phản biện quan trọng, trong đó chỉ ra những bất hợp lý về nhiều vấn đề trong quy hoạch phát triển sản xuất thép.

Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) là vùng biển đẹp có lợi thế phát triển du lịch
Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) là vùng biển đẹp có lợi thế phát triển du lịch

Một trong những bất hợp lý lớn của dự thảo quy hoạch được chuyên gia chỉ ra, ở mục tiêu của ngành sản xuất thép theo quy hoạch, trong đó thể hiện sản phẩm chủ lực của các dự án thép trong tương lai là gang, sắt xốp và phôi thép. Vấn đề ở chỗ, đây là những sản phẩm mà ngành thép trong nước hiện đã dư thừa, ngoại trừ các sản phẩm thép chất lượng cao (thép hợp kim, thép không gỉ...). Và rằng, phải 15-20 năm nữa mới dùng hết công suất quy hoạch đã phê duyệt từ năm 2013, cho dù một nửa số công suất trong quy hoạch này đang hoặc không còn được đầu tư nữa!

Một điều khá lạ là, trong khi quy hoạch chỉ có tính chất định hướng chiến lược về quy mô, hệ thống sản phẩm và lên bản đồ về vị trí sản xuất; nhà đầu tư có thể là một doanh nghiệp bất kỳ; nhưng trong bản dự thảo, Bộ Công Thương lại “quy hoạch” luôn cả nhà đầu tư, “đóng đinh” nhà đầu tư cụ thể vào các nhà máy thép, như thể quy hoạch này chỉ là sự hệ thống lại những dự định đầu tư của doanh nghiệp, trong khi vấn đề cực kỳ qua trọng trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu về công nghệ lại chưa được chú ý.

Tỉnh Bình Thuận đã phát hiện ra sự bất hợp lý này. Trong ý kiến góp ý điều chỉnh dự thảo quy hoạch sản xuất thép gửi Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉ để phụ lục danh mục các dự án đầu tư, đưa ra ngoài quy hoạch 2 danh mục có tên cụ thể của các doanh nghiệp vì “đây là giai đoạn quy hoạch, chưa phải giai đoạn đầu tư”. Việc ấn định tên doanh nghiệp cụ thể trong quy hoạch sẽ khó khăn, phức tạp, phải điều chỉnh quy hoạch khi có doanh nghiệp khác muốn đầu tư.

Nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, nước mắm tại Cà Ná là những ngành sản xuất lâu đời, có thương hiệu của Ninh Thuận, trong đó nước mắm Cà Ná là sản phẩm rất nổi tiếng
Nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, nước mắm tại Cà Ná là những ngành sản xuất lâu đời, có thương hiệu của Ninh Thuận, trong đó nước mắm Cà Ná là sản phẩm rất nổi tiếng

Đối với công nghệ sản xuất gang thép, tỉnh Bình Thuận cho rằng, nội dung đánh giá quy hoạch giai đoạn đến năm 2020 có nêu đa số các nhà máy đều áp dụng công nghệ lò cao sử dụng than cốc để luyện gang thép. Tuy nhiên, các thiết bị sử dụng cho công nghệ lò cao đều do Trung Quốc sản xuất, do đó dễ có khả năng ảnh hưởng đến môi trường. Từ phát hiện này, tỉnh Bình Thuận đề nghị, định hướng công nghệ cần phải nêu rõ, cụ thể các loại công nghệ luyện gang thép được khuyến khích đầu tư.

Trong dự thảo quy hoạch lần hai công bố mới đây, tiếp thu ý kiến này, Bộ Công Thương đã bỏ phần nhà đầu tư trong bản đồ định hướng sản xuất thép.

Riêng với dự án thép Hoa Sen Cà Ná, sau khi tỉnh Ninh Thuận trình dự án, Chính phủ đã có một bước thận trọng là yêu cầu Bộ Công Thương mời chuyên gia để lấy ý kiến thẩm định dự án này.

Trả lời báo chí, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong số những chuyên gia kinh tế đầu tiên đã lên tiếng phản đối dự án này, cho rằng, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Ông cũng cho rằng, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại để “đi cùng” thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

Theo ông Nguyễn Mại, Việt Nam không nên đi vào “vết xe đổ” của các quốc gia khác, như tại Trung Quốc hiện đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường.

Cá Ná là một trong những vùng sản xuất muối lớn và nổi tiếng nhất của Việt Nam
Cá Ná là một trong những vùng sản xuất muối lớn và nổi tiếng nhất của Việt Nam

Dưới góc độ thị trường, trao đổi với báo chí, bà Phạm Chi Lan- chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Trung Quốc đang dư thừa công suất thép cực kỳ lớn, dự kiến 1.600 triệu tấn/năm, nên buộc họ tăng tốc độ bán hàng để tránh lãng phí đầu tư. Bởi vậy, nếu Hoa Sen muốn xây dựng dự án này để cạnh tranh buôn bán thép với Trung Quốc thì câu hỏi đặt ra là liệu có cạnh tranh được không? Về mặt tài chính, bà Lan nghi ngại, việc Hoa Sen tính đến sử dụng một phần nguồn vốn vay cũng gây lo ngại, bởi vốn vay sẽ hạn chế hiệu quả kinh tế.

Cũng cần lưu ý, tại sao dự luận cũng như trong giới chuyên gia có nhiều ý kiến phản đối hoặc chưa đồng thuận với việc đầu tư dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận. Chưa nói các yếu tố công nghệ, khả năng ô nhiễm môi trường, khả năng sai lầm của quy hoạch,.. tính hợp lý của việc đặt công nghiệp thép tại đây cũng là vấn đề cần cân nhắc. Cà Ná là vùng biển đẹp, có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, khai thác- nuôi trồng thủy sản, sản xuất chế biến muối, nước mắm,.., trong đó nhiều ngành nghề sản xuất có từ lâu đời, gắn với các đặc sản có thương hiệu của Ninh Thuận. Sự hiện diện của liên hợp thép cùng với những tác động từ 4 nhà máy nhiệt điện công suất lớn tại Trung tâm Điện lực Vĩn Tân (Bìn Thuận) kề cận, có thể khiến nhiều ngành nghề sản xuất có tiếng tại đây bị tác động tiêu cực, thậm chí biến mất.

Còn nữa, là một tỉnh khô hạn vào hàng bậc nhất cả nước với lượng mưa cực thấp, phần lớn nhu cầu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân Ninh Thuận bị động và phụ thuộc vào nguồn nước điều tiết từ hồ thủy điện của tỉnh bạn. Về trước mắt cũng như lâu dài, Ninh Thuận sẽ còn phải chật vật trong việc giải bài toán nước ngọt. Với nhu cầu khoảng 200.000 m3 nước ngọt/ngày chỉ riêng cho khu liên hợp thép Cà Ná khi đầu tư định hình, yêu cầu này là khó khả thi, trong điều kiện kinh tế địa phương đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu nước ngọt đòi hỏi ngày càng lớn.

Nguyễn Văn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch sản xuất ngành thép: Những điểm bất hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO