Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Phải có dự báo và tầm nhìn chính xác

Trường Giang| 06/07/2021 12:35

(TN&MT) - Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quan trọng trong quản lý Nhà nước về đất đai, làm cơ sở khoanh định quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh để nâng cao hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, lãng phí

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT, thời gian qua, thể chế hóa nội dung Nghị quyết 19-NQ/TW, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được kiện toàn, đổi mới, bước đầu khắc phục được các hạn chế, tồn tại trong công tác giao đất, cho thuê đất, tránh tràn lan, lãng phí.

Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch; quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất đai được triển khai thực hiện tại 3 cấp hành chính là quốc gia, tỉnh, huyện và theo nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất của cấp trên định hướng cho quy hoạch sử dụng đất cấp dưới. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là cơ sở duy nhất để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Quy định cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ; Quốc hội quyết định các chỉ tiêu sử dụng các loại đất này trong quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và phân bổ đến từng địa phương.

Bên cạnh đó, tùy theo quy mô sử dụng đất mà UBND cấp tỉnh phải trình Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ hoặc trình HĐND cấp tỉnh thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, Quốc hội, HĐND các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhân dân có quyền giám sát việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Thể chế hóa Nghị quyết 19, Luật Đất đai 2013 đã quy định về căn cứ, điều kiện, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Việc tổ chức thực hiện các quy định này đã từng bước sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực, khắc phục tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, góp phần quan trọng tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trong nông nghiệp, đã quy định tăng thời hạn sử dụng đất lên 50 năm cho các loại đất nông nghiệp; Cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai với diện tích không quá 10 lần hạn mức giao đất; Bước đầu khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhận quyền thuê đất, “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi đất cho nhau, khuyến khích hợp tác, liên kết tập trung ruộng đất sản xuất hàng hóa lớn; Số thửa ruộng của một hộ giảm, diện tích thửa ruộng tăng; Hình thành cánh đồng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 về quy chế tài chính phục vụ việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, việc di dời thực hiện còn chậm, một số cơ sở sau di dời lại được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, đã tập trung đông dân cư và tạo áp lực lên hạ tầng đô thị.

Việc quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa xem xét đồng bộ

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng còn bị phá vỡ

Tuy nhiên, theo Viện trưởng, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại như: quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa xem xét đồng bộ; Việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý; Việc phát triển nhanh các khu công nghiệp ở một số địa phương trong thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân khu công nghiệp; Quy hoạch một số khu công nghiệp sử dụng nhiều đất canh tác tại khu vực đồng bằng, nhưng đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới được đầu tư phát triển dọc tuyến đường Hồ Chí Minh chưa phát huy tác dụng thu hút phát triển công nghiệp, đô thị cho các tỉnh trung du, miền núi để giảm áp lực cho khu vực đồng bằng. Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh.

Theo đánh giá của nhiều địa phương, thời gian qua, công tác lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, huyện còn chậm; công tác dự báo nhu cầu còn chưa sát nhu cầu thực tế, các giải pháp thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, quyết liệt dẫn tới một số chỉ tiêu sử dụng đất còn thấp.

 Lý giải nguyên nhân này, nhiều địa phương cho rằng, đất đai và các vấn đề sử dụng đất nhạy cảm phức tạp ở địa phương luôn biến động và thay đổi theo từng ngày, trong khi cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai cũng luôn có sự điều chỉnh bổ sung.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế chung của cả nước gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư công giảm do chủ trương của Chính phủ, thị trường bất động sản tăng giảm thất thường và các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước giảm đáng kể.

Năng lực dự báo của một số cán bộ làm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương còn hạn chế; chưa sát với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng thực hiện; việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất của huyện, thành phố còn thụ động.

Một số dự án sau khi được chấp thuận chưa tập trung tìm giải pháp quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

 

 

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng

Quy hoạch tốt đất đai ven biển cho phát triển kinh tế - xã hội

Bờ biển Đà Nẵng kéo dài từ Nam Ô (quận Liên Chiểu) đến Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Dọc tuyến ven biển từ Nam Ô cho đến Hòa Hải, nhất là đoạn từ giao lộ Võ Nguyên Giáp - Hồ Xuân Hương cho đến hết đường Trường Sa (giáp địa phận tỉnh Quảng Nam), các khu đất giáp biển đã được một số chủ đầu tư triển khai xây dựng, đi vào hoạt động. Còn một số dự án thì bên ngoài lập hàng rào bằng tôn, hoặc xây tường gạch nhưng bên trong vẫn bị bỏ hoang.

Hiện, Đà Nẵng đang phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan, tập trung kiểm tra về tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án, kiên quyết đề xuất UBND thành phố xử lý đối với các dự án có vi phạm pháp luật đất đai.

Đối với các dự án thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định của pháp luật nhưng chủ đầu tư chưa có văn bản đề nghị gia hạn thì Sở thường xuyên đôn đốc thực hiện. Cùng đó, chúng tôi kiên quyết tham mưu việc thu hồi đất đối với các trường hợp chây ì, không phối hợp lập thủ tục gia hạn thời gian sử dụng đất theo quy định.

Thành phố đã rà soát, đề xuất và kiến nghị điều chỉnh những bất cập, chồng chéo giữa Luật Đất đai và pháp luật có liên quan trong việc quản lý đất đai, quản lý xây dựng, quản lý đầu tư, quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Hiện nay, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp cùng các Sở, ngành tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đặc thù khu vực ven biển làm cơ sở triển khai các dự án ven biển, quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng cũng như đảm bảo các quyền lợi của người dân địa phương theo đúng quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Việc giao đất mà không thẩm định, xem xét một cách tổng thể, thấu đáo là bài học kinh nghiệm quý báu không những đối với Đà Nẵng mà còn đối với các tỉnh, thành phố ven biển. Do vậy, cần kiên quyết thu hồi những dự án chưa triển khai, hoặc chuyển đổi mục đích trái với quy định của pháp luật, mới đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng dân cư cũng như doanh nghiệp.

 

Ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre

Tích tụ quỹ đất sạch để nâng cao hiệu quả sử dụng

Trong những năm qua, công tác quản lý, phát triển quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có bước chuyển biến trong tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, tỉnh Bến Tre còn tổ chức tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt, các công trình trọng điểm, cấp bách chưa được bố trí vốn, các dự án chưa đủ điều kiện thu hồi đất theo quy định pháp luật thì tỉnh Bến Tre cũng sẽ chỉ đạo phối hợp giữa công tác thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công tác thu hồi đất theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ, sớm có mặt bằng để triển khai dự án.

Để quản lý quỹ đất công hiệu quả nhằm khai thác, thu hút đầu tư, đối với các thửa, khu đất quy mô lớn, sau khi có cơ chế tạo quỹ đất sạch, Sở TN&MT Bến Tre sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương rà soát quỹ đất công, đất công ích, đất bãi bồi ven sông chưa sử dụng; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đề xuất HĐND, UBND tỉnh Bến Tre cho chủ trương thực hiện từng dự án cụ thể.

Hiện tại, tỉnh Bến Tre đã và đang tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai công tác lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất 2021 - 2025 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Trong đó, Bến Tre chỉ đạo tập trung rà soát chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang đất sản xuất, kinh doanh, đô thị,... khoảng 20.000 ha đến năm 2025 và 40.000 ha đến năm 2030.Đề xuất khai thác tạo quỹ đất sạch, tích tụ quỹ đất sạch, quản lý quỹ đất công để khai thác, thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Bà Nguyễn Thị Loan - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên 

Giám sát chặt việc sử dụng nguồn tài nguyên đất

Thái Nguyên được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 23/2/2013; cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt theo đúng trình tự, đúng thẩm quyền 9/9 huyện, thành phố, thị xã. Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập theo đúng các của Luật Đất đai năm 2013 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất. Điều chỉnh quy hoạch của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 10/5/2018; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt 9/9 huyện, thành phố, thị xã theo đúng trình tự, đúng thẩm quyền.

Việc lấy ý kiến nhân dân, giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân khi lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là tiêu chí hàng đầu được UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại cấp có thẩm quyền xem xét trước khi tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Cùng với đó, Thái Nguyên đã liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất quy hoạch sử dụng đất được lập trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất do cấp trên phân bổ, trong đó có tính đến quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất. Trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, cơ bản thống nhất với quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất.

Hàng năm, HĐND các cấp và UBND các cấp đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qua đó đánh giá chung: việc lập quy hoạch, hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Phải có dự báo và tầm nhìn chính xác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO