Quy hoạch cụm dân cư ven biển Bạc Liêu: Sống chung với nước biển dâng

22/02/2017 00:00

(TN&MT) - Bạc Liêu là một tỉnh ven biển ở ĐBSCL có một số cụm dân cư sinh sống ở ven biển. Nguyên nhân là do bà con sống về nghề đánh bắt thủy - hải sản, làm...

 

(TN&MT) - Bạc Liêu là một tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long có một số cụm dân cư sinh sống ở ven biển. Nguyên nhân là do bà con sống về nghề đánh bắt thủy - hải sản, làm muối, lâu dần phát triển thành xóm ấp, có nơi dân cư tập trung đông trở thành thị tứ, thị trấn. Tuy nhiên ở một số nơi, trong thời gian qua, ít nhiều đều bị ảnh hưởng do nước biển dâng, xói lở đất.

Sóng cao bủa vào kè biển Gành Hào làm cho bờ kè đầy bùn đất.
Sóng cao bủa vào kè biển Gành Hào làm cho bờ kè đầy bùn đất.

Huyện Đông Hải là một huyện ven biển, là huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu, có 23 km bờ biển, chiếm 2/5 chiều dài bờ biển của tỉnh, một số nơi hay bị xói lở và nơi bị nặng nhất là ở thị trấn Gành Hào, vừa bị lở đất ven biển vừa bị lở đất ven sông.

Thị trấn Gành Hào có hình dạng giống như "ngón tay cái" chỉ về phương Nam, mặt ngoài "ngón tay cái" giáp với biển Đông, mặt trong giáp với sông Gành Hào. "Ngón tay cái" này vừa bị sóng biển Đông xâm thực vừa bị dòng nước sông Gành Hào từ nội địa đổ ra biển gây xói lở. Ngay nguồn gốc địa danh Gành Hào cũng đã cho biết là đất ở đây bị xói lở. Do bờ sông bị xói lở hẳm (dốc) đứng như một gành (ghềnh) đá cheo leo và do bờ sông lộ ra nhiều đống vỏ hàu do bị phù sa bồi lấp trước đây nên gọi là Gành Hàu (do viết sai chính tả nên thành Gành Hào).

Dân cư đã đến Gành Hào cách nay khoảng 200 năm sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy - hải sản. Sát bờ kè biển hiện nay ở thị trấn Gành Hào trước kia có một con mương gọi là Mương Cò (mương là đường nước nhỏ cạn dùng để cho ghe thuyền đánh cá loại nhỏ cập vào bờ). Ngoài Mương Cò còn có một dãi đất sát bờ biển và ở đó từng có một số hộ dân sinh sống; có Miễu Cá Ông cách nay hàng trăm năm; sau 30/4/1975, còn có đồn Biên phòng. Nhưng nay dãi đất này đã chìm trong nước, bờ kè biển được xây dựng phía bờ bên trong Mương Cò. Miễu Cá Ông đã được di dời sâu vào trong đất liền như hiện nay (cách bờ kè khoảng 200 mét) và xây dựng quy mô hơn gọi là Lăng Cá Ông. Đồn Biên phòng cũng đã dời sâu vào phía trong nội ô thị trấn.

Đoạn kè bị hư hại là đoạn ngay đầu doi còn gọi là
Đoạn kè bị hư hại là đoạn ngay đầu doi còn gọi là "cùi chõ" giữa kè biển và kè sông Gành Hào. Sát bờ kè, có một quán karaoke và hai bên quán này (phía bên trái là bờ biển, phía bên phải là bờ sông) đều có nhiều hàng quán khác.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Minh Hoàng đến thị trấn Gành Hào sinh sống vào những năm 80 của thế kỷ trước cho biết: "Lúc ấy, tôi thỉnh thoảng ra dãi đất ngoài Mương Cò để chụp ảnh. Tiếc là khi đó chụp ảnh bằng phim nhựa, do bảo quản không tốt, ảnh đã bị hỏng hết. Nếu còn, những bức ảnh ấy sẽ là tư liệu quý chứng minh từng có một vùng đất nổi lên phía ngoài kè biển hiện nay". Anh Hoàng nhẩm tính, chỉ qua nửa thế kỷ, đầu doi ở cửa sông phía thị trấn Gành Hào đã ăn sâu vào đất liền vài trăm mét. Cả đầu doi phía đối diện (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cũng bị lở tương tự như thế, đến nổi dân không dám ở cận bờ như phía bên thị trấn Gành Hào mà ở sâu phía trong đất liền. Phía bên ấy cũng đã có một đoạn kè chắn bờ sông (kè bờ biển chưa có).

Tuyến kè biển và kè sông ở khu vực thị trấn Gành Hào hiện nay có vai trò chắn sóng, triều cường, chống sạt lở, không chỉ bảo vệ cho cuộc sống của hơn 4.000 ngàn hộ dân ở thị trấn Gành Hào mà còn bảo vệ cho hàng chục ngàn ha đất nuôi tôm, làm muối... của huyện Đông Hải không bị ngập úng. Nhưng nhiều năm qua, kè biển luôn bị sự uy hiếp của sóng biển và gần đây có vẻ như quy mô thiệt hại càng lớn hơn. Đầu năm 2016, bờ kè đê biển Gành Hào đã bị thiệt hại bởi sóng to gió lớn. Vào giữa tháng 2 năm nay, chuyện cũ lập lại. Kè biển Gành Hào có đường hành lang (đê) khoảng 3 mét. Hiện có một số hộ dân ở sát đường hành lang, thậm chí sát vào tường chắn sóng (chỉ cao khoảng một mét rưỡi). Khi sóng lớn cao 5 - 7 mét, thậm chí 8 - 10 mét đánh vào kè, những hộ này đều bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đoạn tường chắn sóng tràn qua kè biển Gành Hào chỉ cao chưa quá đầu người. Nhà dân ở ngay phía sau đoạn tường này.
Đoạn tường chắn sóng tràn qua kè biển Gành Hào chỉ cao chưa quá đầu người. Nhà dân ở ngay phía sau đoạn tường này.

Còn cửa sông Gành Hào từng nhiều lần bị sạt lở gây thiệt hại cho một số hộ cất nhà sàn ở ven sông. Khi trở thành huyện lỵ (huyện Đông Hải được thành lập vào năm 2001), thị trấn Gành Hào đã được quy hoạch xây dựng khu hành chính, mở rộng hoặc xẻ mới đường phố, dân cư cũng theo đó sửa chữa nhà cửa hoặc xây mới. Các cơ quan nhà nước cấp huyện, thị trấn đều được xây dựng sâu trong đất liền nhưng đối với đối với một số hộ nhân dân thì gặp khó khăn. Do điều kiện sinh sống, từ lâu, dân ở ven sông đều cất nhà sàn, ghe tàu neo đậu ngay sát nhà sàn. Trước đây, khi chưa có đường bộ, phần nhà sàn ấy được coi là nhà trước (mặt tiền nhà trở ra sông). Những hộ ở ven sông ra sức gia cố, chống sạt lở bằng cách cắm cừ, đổ bê tông dày. Một số hộ tuy đủ khả năng di dời (trong thực tế đã có một số hộ di dời) nhà ở vào đất liền nhưng vẫn giữ nơi ở cũ ven sông làm nơi buôn bán.

Nói chung tuy thị trấn Gành Hào ngày càng sung túc, dân cư ngày càng đông, kinh tế phát triển, trở thành huyện lỵ của huyện Đông Hải nhưng về mặt địa chất, thị trấn Gành Hào phải hứng chịu nhiều khó khăn từ thiên nhiên gây thiệt hại không ít về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Để tránh thiệt hại do nạn sạt lở bờ biển, bờ sông gây ra, việc đầu tư xây dựng, gia cố kè, để cho chắc chắn là việc nên làm. Ngay sau sự số kè biển Gành Hào và kè biển Nhà Mát bị hư hại do sóng biển, tỉnh đã tổ chức hội nghị có các ngành trung ương có liên quan tham dự nhằm đề ra những giải pháp phù hợp để gia cố đê, kè. Nhưng có ý kiến cho rằng bên cạnh những giải pháp kỹ thuật cần thiết, cần quan tâm đến việc quy hoạch, di dời một số hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do nạn sạt lở đất gây ra.

Riêng huyện Đông Hải, ngay từ bây giờ, cần rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, trong đó coi trọng việc di dời các hộ dân ở ven sông, ven biển, kể cả các trung tâm mua bán, chợ búa, trước hết là ở thị trấn Gành Hào.

Thị trấn Gành Hào là một đô thị mới, kết cấu hạ tầng còn phải xây dựng rất nhiều. Theo dự án tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo, thị trấn Gành Hào sẽ là thị xã, do vậy, việc quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn xa và phải hết sức khoa học, không chỉ đối với các cơ quan hành chính, trung tâm văn hóa, thương mại mà còn đối với nhà ở của nhân dân.

Một số quán giải khát, quán nhậu sát bờ kè biển Gành Hào.
Một số quán giải khát, quán nhậu sát bờ kè biển Gành Hào.

Ở góc độ kinh tế vĩ mô,  Chính phủ vừa chấp thuận xây dựng một cảng biển ở Gành Hào. Cảng biển này có quy mô công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng từ 5.000 - 10.000 tấn. Vì thế, luận chứng kinh tế - kỹ thuật của cảng biển này càng phải được tính toán thật khoa học, coi trọng yếu tố địa chất không bền vững, cụ thể là bờ sông, bờ biển ở đây đã và đang bị sạt lở.

Anh Trần Quốc Hải, Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết, huyện đã tổ chức nhiều đợt thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác di dời khỏi khu vực bị ảnh hưởng sạt lở nhưng do nhu cầu cuộc sống trước mắt, nhiều hộ không đủ điều kiện kinh tế để di dời. Ở thị trấn Gành Hào, có nhiều hộ dân từ các địa phương ngoài tỉnh đến sinh sống, đa số là lao động nghèo, nhà ở tạm bợ, thậm chí ở trọ, do vậy huyện (và cả tỉnh, trung ương) cần có sự hỗ trợ cụ thể trong từng trường hợp.

Tại kè Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), tình hình cũng tương tự như trên. Nhiều hàng quán mọc lên (hầu hết là quán... nhậu) sát kè. Một số quán này thuê mặt bằng của một đơn vị quân đội ở đây. Hành lang kè trở thành chợ mua bán hải sản. Đông vui thì có nhưng rõ ràng không bảo đảm về an toàn mỗi khi sóng to, gió lớn xảy ra. Và cho dù có an toàn đi nữa những vẫn không bảo đảm về vệ sinh môi trường. Rác đủ loại thường xuyên ứ đọng ngập ngụa chân đê (vì chẳng trôi đi đâu được)!

Ở ĐBSCL, nhiều năm qua, năm nào cũng có lũ do sông Mekong gây ra. Qua kinh nghiệm dân gian, dù có thực hiện một số giải pháp kỹ thuật ngăn lũ, chống lũ... nhưng nói chung là ĐBSCL phải "sống chung với lũ", vì lũ cũng đã đem lại nhiều nguồn lợi từ phù sa, thủy sản... Nhưng việc "sống chung với lở" là vô cùng khó, xem ra có phần miễn cưỡng! Cách tốt nhất là vừa hạn chế lở nhưng đồng thời các công trình kiến trúc đô thị, nhà ở cũng phải tránh xa lở như ông bà ta từng nói: "Tránh voi chẳng xấu mặt nào"!!!

Bài & ảnh: Thanh Chí

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch cụm dân cư ven biển Bạc Liêu: Sống chung với nước biển dâng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO