Quy hoạch bảo vệ môi trường: Quyết sách mới cho một tầm nhìn mới

31/03/2015 00:00

(TN&MT) - Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) có vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn và bố trí hạ tầng xử lý môi trường phù hợp với quá trình thực hiện các phương án phát triển, đảm bảo phát triển bền vững.

Khung pháp lý cho các hoạt động phát triển

Trên thực tế trong quá trình xây dựng Luật BVMT năm 1993 và Luật BVMT năm 2005, các nhà quản lý môi trường đã xây dựng ý tưởng về Quy hoạch môi trường. Tuy nhiên, phương pháp luận và sự đồng thuận trong việc lập quy hoạch chưa cho phép xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch về môi trường.

Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch về môi trường, đã có rất nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương tiến hành lập Quy hoạch môi trường hoặc Quy hoạch BVMT. Trên thực tế, các quy hoạch về môi trường này đã đóng góp hữu hiệu trong quản lý và là nền tảng để Bộ TN&MT xây dựng phương pháp luận về Quy hoạch BVMT phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam.

Quy hoạch BVMT có vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên
Quy hoạch BVMT có vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên

Các chuyên gia môi trường khẳng định, việc đưa Quy hoạch BVMT vào Luật BVMT năm 2014 có vai trò chủ đạo trong việc thực hiện quản lý, giám sát, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường gắn kết chặt chẽ với thực trạng môi trường và các hoạt động phát triển trong vùng quy hoạch.

Theo đó, việc phân tích hiện trạng môi trường, điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội và sinh thái trong vùng quy hoạch, phân vùng môi trường sẽ đưa ra các định hướng về quản lý và BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử trong vùng quy hoạch. Đồng thời, xác lập các tiêu chí chung nhằm quản lý thống nhất về môi trường, tạo hành lang để các quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa các định hướng và giải pháp thực hiện dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho các loại hình quy hoạch hiện nay gặp nhiều khó khăn do cơ quan thực hiện quy hoạch phát triển không xác định được hiện trạng, diễn biến của các thành phần môi trường và định hướng quản lý và BVMT. Do vậy việc thực hiện quy hoạch BVMT sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả của ĐMC trong vai trò là công cụ phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của các quy hoạch phát triển trong quá trình lập quy hoạch và đánh giá mức độ phù hợp của các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển với các yêu cầu về quản lý và BVMT nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Quyết sách mới cho phát triển bền vững

Ngày 1/4/2015, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Theo đó, đây sẽ là Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nghị định quy định, quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo 2 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm những nội dung chính: Diễn biến, mục tiêu quản lý môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; thực trạng môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; mục tiêu và các giải pháp bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; thực trạng phát thải khí và chất lượng môi trường không khí; mục tiêu và giải pháp quy hoạch đối với các hoạt động phát triển có nguồn phát thải khí lớn; thực trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường đất; mục tiêu và các giải pháp phòng ngừa suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, phục hồi các vùng đất đã bị ô nhiễm, suy thoái; thực trạng ô nhiễm môi trường nước; mục tiêu và các giải pháp quản lý nước thải và bảo vệ môi trường nước...

Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được lập dưới hình thức báo cáo riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng phải thể hiện được các nội dung chính giống như quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch.

Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh cũng phải thể hiện được các nội dung chính giống như quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch, trong đó các nội dung về nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các nội dung tương ứng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ TN&MT sẽ hướng dẫn chi tiết quy trình xây dựng đề cương, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường.

Xuân Hợp

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch bảo vệ môi trường: Quyết sách mới cho một tầm nhìn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO