Quy định về miễn phí trước bạ đối với đất được thừa kế

Báo TN&MT| 14/10/2019 09:43

(TN&MT) - Đầu năm 2019, tôi có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu đối với thửa đất ở diện tích 300m2 của bố tôi để lại thuộc địa bàn quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Theo hướng dẫn của UBND phường và Phòng Tài nguyên & Môi trường quận Hà Đông, tôi đã lập Biên bản họp gia đình để làm thủ tục phân chia di sản quyền thừa kế quyền sử dụng đất của bố tôi và tất cả các thành viên trong gia đình đều nhất trí để tôi sử dụng toàn bộ thửa đất diện tích 300m2 (có sự chứng kiến của Tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ tư pháp của phường và UBND phường xác nhận). Vậy xin hỏi: Theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ thì tôi có được miễn lệ phí trước bạ khi được cấp GCNQSDĐ lần đầu với thửa đất trên không? Biên bản họp gia đình nêu trên có được xem là văn bản hợp pháp về nhận thừa kế nhà, đất như quy định tại Nghị định 140/2016/NĐ-CP không? Rất mong được giải đáp của quý cơ quan.

dat phi nong nghiep
Ảnh minh họa.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Thứ nhất, về biên bản họp gia đình nhận thừa kế

Pháp luật hiện nay quy định rất cụ thể về chia thừa kế theo pháp luật khi người chết không để lại di chúc. Để đảm bảo cho quyền lợi của tất cả các thành viên, thủ tục nhận thừa kế theo pháp luật được quy định chặt chẽ và đầy đủ. Chính vì vậy, biên bản họp gia đình không thể thay thế cho thủ tục này.

Theo quy định, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Sau khi đã xác định được trường hợp của mình là khai nhận thừa kế theo di chúc hay khai nhận thừ kế theo pháp luật lúc đó gia đình bạn sẽ cần quan tâm đến thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định hiện hành. Trường hợp tài sản thừa kế có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp thì gia đình liên hệ phòng công chứng để tiến hành theo các bước sau:

- Người được yêu cầu phòng công chứng thực hiện thủ tục: Tất cả những người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.

- Hồ sơ yêu cầu công chứng việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sở hữu với tài sản thừa kế;  Giấy tờ chứng minh nhân thân (Giấy CMND, thẻ căn cước, hộ chiếu) của các thừa kế; Sổ hộ khẩu của các thừa kế;  Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh của anh/chị/em; Giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ…

- Quy định về thủ tục: Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 57 Luật Công chứng năm 2014.

Như vậy, bạn và gia đình phải tiến hành đúng các thủ tục, trình tự trên để bạn được nhận thừa kế là 300m2 đất.
Thứ hai, miễn phí trước bạ

Sau khi nhận thừa kế, theo quy định tại Khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP: “Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được miễn phí trước bạ”.

Như vậy, bạn sẽ được miễn phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất đối với 300m2 đất được thừa kế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về miễn phí trước bạ đối với đất được thừa kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO