Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:
Theo Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, công tác bảo vệ môi trường làng nghề được quy định như sau:
Tùy điều kiện về quỹ đất của từng địa phương để quy hoạch tổng thể đồng bộ về mặt bằng sản xuất của làng nghề; xây dựng kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường cho làng nghề bảo đảm có hệ thống thu gom nước thải, hệ thống xử lý nước thải tập trung (nếu có); điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh hoặc phương tiện thiết bị vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn đảm bảo quy định.
Các cơ sở hoạt động trong làng nghề có trách nhiệm thực hiện các nội dung theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Các cơ sở sản xuất tại làng nghề thuộc ngành nghề được khuyến khích chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản cam kết bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản phải lập báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường gửi về UBND cấp xã để kiểm tra, theo dõi.
UBND cấp xã có làng nghề lập hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi UBND cấp huyện để xem xét, phê duyệt theo quy định tại Khoản 3, 4, 5, 6 Điều 23 Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Mỗi làng nghề phải xây dựng quy chế, hương ước bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp và thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường thực hiện việc quản lý, vận hành, duy tu, cải tạo các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề; tuyên truyền, vận động nhân dân, các cơ sở trong làng nghề thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh và thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải tích cực, chủ động nghiên cứu, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, áp dụng giải pháp sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Điều 17 Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện các nội dung theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
UBND cấp huyện có trách nhiệm thực hiện các nội dung theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ; đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; lập và triển khai biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn mình quản lý theo quy định; quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề; báo cáo kết quả điều tra, thống kê, lập danh sách làng nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và báo cáo công tác bảo vệ môi trường, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành liên quan, địa phương tổng hợp, công bố danh sách làng nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển, các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển; xây dựng trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.