Quy định mới về CSMT: Rõ nhiệm vụ, tăng thực quyền

07/12/2015 00:00

(TN&MT) - Từ ngày 5/12/2015, Nghị định số 105/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường bắt đầu có hiệu lực. Đây là văn bản pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát môi trường.

4 nhiệm vụ quan trọng

Từ năm 2006, Bộ Công an đã ban hành Quyết định thành lập lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường. Đến năm 2007, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trực thuộc công an các tỉnh, thành phố được thành lập. Từ đây đã hình thành một cơ quan chuyên trách trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm môi trường thống nhất từ Trung ương xuống địa phương.

Từ đó đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường hoạt động dựa trên những quy định tại Luật Bảo vệ môi trường; Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 72/2010/NĐ-CP quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường… Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên còn thiếu và chưa đồng bộ về các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát môi trường.

Ảnh minh hoa
Ảnh minh hoa

Khắc phục tình trạng này, Nghị định số 105/2015/NĐ-CP đã dành một chương cụ thể để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường. Theo đó, Cảnh sát môi trường có bốn nhiệm vụ quan trọng sau đây:

Thứ nhất, tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chính sách pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Thứ hai, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, huy động thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Thứ ba, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu để phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Thứ tư, tham gia hoạt động ứng phó sự cố môi trường, bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.

Quyền hạn tương xứng

Cùng với việc quy định đầy đủ những nhiệm vụ của Cảnh sát môi trường, Nghị định số 105/2015/NĐ-CP còn đưa ra hàng loạt các quy định liên quan đến quyền hạn của lực lượng này. Các quyền tương xứng này sẽ là công cụ hữu hiệu để Cảnh sát môi trường thực hiện tốt nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước đặt ra.        

Cụ thể, trong lúc thực thi pháp luật, Cảnh sát môi trường có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Cảnh sát môi trường được yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm để phục vụ xác minh, làm rõ tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm khi có tố giác, tin báo tội phạm, vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực trên liên quan đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoặc có vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó.

Đồng thời, Cảnh sát môi trường được quyền yêu cầu các đối tượng trên giải trình về những hành vi có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Cảnh sát môi trường cũng được tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi có một trong các căn cứ sau: Khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; Khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm;  Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Cảnh sát môi trường còn được tiến hành kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính theo quy định của luật.

Theo Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công An, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền tính toán, cân nhắc kỹ, đảm bảo chặt chẽ, khoa học và hiệu lực, hiệu quả khi thi hành. Quá trình thực hiện có sự phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan; tránh tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các cơ quan khác như trước đây…

P.Oanh

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới về CSMT: Rõ nhiệm vụ, tăng thực quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO