Quy định Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Chưa thống nhất

12/04/2018 17:57

(TN&MT) - Hệ thống các văn bản hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa đồng bộ gây khó khăn cho cho cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.

(TN&MT) - Hệ thống các văn bản hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa đồng bộ gây khó khăn cho cho cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.
Quy định Báo cáo đánh giá tác động môi trường Chưa thống nhất
Quy định ĐTM vẫn chưa đồng bộ gây khó khăn cho cho cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp. Ảnh: MH
Tại phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, các đại biểu khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công còn tồn tại mâu thuẫn về quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
 
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, Khoản 2, Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường quy định trong giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi để trình thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng Điều 34 của Luật Đầu tư và của cả Luật Đầu tư công, quy định trong giai đoạn đề xuất kiến nghị trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định về chủ trương đầu tư thì chỉ cần báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ.

Luật Đầu tư và cả Luật Đầu tư công thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp quyết định phê duyệt ĐTM. Tuy vậy, Luật Bảo vệ môi trường lại quy định, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Do đó, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin quyết định phê duyệt ĐTM trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. 

Theo quan điểm của Bộ KH&Đ, việc yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo ĐTM trước thời điểm quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không phù hợp với thực tế triển khai dự án đầu tư vì tại thời điểm này, nhà đầu tư mới đề xuất địa điểm và chưa có dự án đầu tư được phê duyệt nên không có đủ căn cứ để lập Báo cáo ĐTM. Điều này tạo rủi ro rất lớn về chi phí đầu tư cho nhà đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận vì những lý do không liên quan đến môi trường hoặc buộc phải thay đổi địa điểm thực hiện dự án.

Việc quy định khác nhau về thời điểm thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo ĐTM đã và đang gây nhiều khó khăn, lúng túng cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý ở địa phương trong việc áp dụng pháp luật pháp luật đầu tư và pháp luật bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, việc phân cấp thẩm định Báo cáo ĐTM theo quy định hiện hành cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo Luật BVMT, Bộ TN&MT có thẩm quyền chủ trì phê duyệt các dự án thuộc thẩm quyền đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, dự án liên tỉnh và một số loại hình dự án nhạy cảm môi trường. Các Bộ, ngành khác có thẩm quyền tổ chức thẩm định ĐTM các dự án thuộc thẩm quyền đầu tư của mình và UBND cấp tỉnh chủ trì thẩm định ĐTM cho các dự án thuộc thẩm quyền địa phương. Do đó, cơ quan thẩm định ĐTM cũng là cơ quan ra quyết định đối với chủ trương xây dựng dự án, cho nên thẩm định ĐTM thường thiếu mức độ độc lập và khách quan cần thiết, các bộ ngành khó có thể phản bác các dự án do chính mình đưa vào quy hoạch phát triển. Nhiều địa phương thường đặt các ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn là các mục tiêu về BVMT. Ngoài ra, Luật BVMT, Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… đều quy định các dự án có tiềm năng ảnh hưởng đến ĐDSH phải thực hiện báo cáo ĐTM. Tuy vậy, không có quy định chi tiết về các nội dung đánh giá tác động ĐDSH và các tiêu chuẩn, tiêu chí ĐDSH để so sánh. Do vậy, các báo cáo ĐTM đã được thẩm định và phê duyệt ở nước ta có nội dung tác động ĐDSH còn rất sơ sài, hầu như chưa đạt yêu cầu cung cấp thông tin làm cơ sở để cân nhắc yếu tố này khi thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án. Đáng lo ngại, các tác động chủ yếu đến ĐDSH hầu như bị bỏ qua trong quy trình đánh giá.

Để giải quyết vướng mắc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này và đã đề xuất đưa Luật Bảo vệ môi trường vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019. "Về báo cáo đánh giá tác động môi trường thì đang đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật theo hướng, đối với các dự án xin chủ trương đầu tư, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, có nghĩa là trong giai đoạn này chỉ cần trình báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ" - Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Chưa thống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO