Quốc hội thông qua một số dự án Luật

19/11/2018 18:16

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, chiều 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số dự án Luật như: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam... 

Toàn cảnh
Toàn cảnh phiên họp sáng 19/11. Ảnh: Quốc Khánh


Theo đó, với 454 đại biểu có mặt tán thành, bằng 93,61% tổng số số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Chăn nuôi. Trước khi thông qua toàn bộ luật này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 điều quan trọng trong luật gồm Điều 3 và Điều 78 với số đại biểu có mặt tán thành lần lượt bằng 94,85% và 92,78%.

Liên quan đến nguyên tắc hoạt động chăn nuôi, Luật Chăn nuôi quy định: Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý nguồn gen giống vật nuôi bản địa, nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; tiếp thu nhanh tiến bộ di truyền giống của thế giới; kết hợp chăn nuôi hiện đại với chăn nuôi truyền thống; phát triển chăn nuôi phù hợp với vùng sinh thái...

Và với 455/461 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 93,81%, Quốc hội đã thông qua Luật Trồng trọt. Với 7 chương, 85 điều, Luật quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Đoàn BRVT
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp sáng 19/11

 

Trong chiều 19/11, với 451 đại biểu có mặt tán thành, bằng 92,99% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi). Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 6 Chương, 39 Điều, trong đó có những quy định đáng chú ý như điều kiện được đề nghị đặc xá và người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

Về điều kiện được đặc đề nghị đặc xá được quy định tại Điều 11, trong đó, người được đề nghị đặc phải đảm bảo đủ các điều kiện như: Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự trong thời gian chấp hành án phạt tù trước khi có quyết định tạm đình chỉ…

Theo đó, với 454 đại biểu có mặt tán thành, bằng 93,61% tổng số số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Chăn nuôi. Trước khi thông qua toàn bộ luật này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 điều quan trọng trong luật gồm Điều 3 và Điều 78 với số đại biểu có mặt tán thành lần lượt bằng 94,85% và 92,78%.
Kết quả biểu quyết Luật Chăn nuôi

Và với tỉ lệ 96,29% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Theo Luật vừa thông qua, Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền. Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.

Theo chương trình kỳ họp (sửa đổi), sáng mai 20/11, Quốc hội khóa XIV sẽ họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6. Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật trong các bản tin tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua một số dự án Luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO