Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Nóng” vấn đề thu hồi đất và giá đất

06/11/2013 00:00

(TN&MT) - Sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

(TN&MT) - Sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
   
  Đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, Dự  thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã giải quyết được nhiều tồn tại của Luật Đất đai hiện hành.
  Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 có 14 chương, 212 điều tăng 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
   
Đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 6/11
   
Đề xuất làm rõ thêm khái niệm thu hồi vì mục đích kinh tế – xã hội
  Báo cáo trước Quốc hội, giải trình về ý kiến đại biểu đối với đề nghị không quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước được quy định tại Điều 62.
  Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều thống nhất  việc thu hồi đất để thực hiện các dự án nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội như tinh thần của dự thảo Hiến pháp và vì các lý do mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình. Đồng thời trên thực tế để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thì không thể thực hiện được và thực hiện sẽ không đồng bộ, làm kéo dài thời gian triển khai dự án và tính khả thi của quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số đại biểu vẫn còn băn khoăn về nội dung này. Đại biểu Trần Thị Hồng Hà (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Với các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà quy định chung chung như tại Điểm g, Khoản 1, Điều 62 sẽ dẫn đến tùy tiện trong cơ chế áp dụng. Đại biểu nêu dẫn chứng ở Hà Nội có khá nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng và theo đó là đơn thư, là khiếu kiện vô cùng phức tạp. Đã có dự án nhà thầu đòi phạt chủ đầu tư đến hàng trăm tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng thi công. Đại biểu đề nghị quy định thành một điều riêng về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội.
   
  Còn đại biểu Trần Ngọc Vinh kiến nghị chỉ những dự án do Nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì Nhà nước mới thu hồi đất, nếu Nhà nước chỉ ra thông báo hoặc chấp nhận đầu tư thì phải trưng mua quyền sử dụng đất. Khi ấy, việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi là quan hệ dân sự được pháp luật bảo vệ. Ban soạn thảo cũng cần làm rõ căn cứ "lớn, quan trọng và thiết thực" khi đưa các dự án kinh tế - xã hội vào diện Nhà nước thu hồi đất.
  Đại biểu cho rằng, thời điểm thu hồi đất cũng cần cân nhắc, không thể cứ quy hoạch là thu hồi rồi lại để treo.
   
  Theo ông Trần Ngọc Vinh, thẩm quyền của UBND gồm giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cả định giá đất là quá lớn, khó tránh việc thiếu khách quan, minh bạch. Ông Vinh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền định giá đất phải độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất, không nên “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
   
  Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) nhất trí với chủ trương Nhà nước thu hồi đất trong 3 trường hợp vì lợi ích an ninh quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Điều 64 dự thảo quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm Luật đất đai còn chưa thỏa đáng và thiếu tính khả thi. Đó là các trường hợp nhà nước giao đất cho các chủ đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư mà không thực hiện trong 12 tháng liền hoặc sử dụng đất chậm so với tiến độ 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án, kể cả khi đã được gia hạn.
   
  Theo đại biểu, thời gian qua không ít các doanh nghiệp, nhà đầu tư sau khi được giao đất vì nhiều lý do đã chậm hoặc không triển khai thực hiện dự án, bỏ đất trống kéo dài, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân, nhất là những người dân nơi bị thu hồi đất. Chính quyền các cấp có thẩm quyền cũng đã vào cuộc nhưng trên thực tế quyết định thu hồi đất cũng không thực hiện được vì hai bên không thỏa thuận được việc bồi thường.
   
  Dự thảo lần này đã đặt ra yêu cầu thu hồi đất với các trường hợp nói trên, đồng thời cũng có quy định rõ tại Khoản 1, Điều 92, về việc thu hồi đất không bồi thường đối với các trường hợp vi phạm nói trên, tôi thấy quy định trên thể hiện tính kiên quyết của pháp luật để khắc phục tình trạng dự án để hoang hóa, dự án để treo đã và đang tồn tại hiện nay nhưng đối với chế định bổ sung trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có tính toán cụ thể hơn nữa.
   
Xây dựng cơ chế giá đất hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi
  Theo đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu), để các dự án thu hồi thực hiện có hiệu quả và hạn chế việc khiếu nại của người dân về giá đền bù, vấn đề quan trọng là phải xây dựng cơ chế chính sách giá đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Trong quy trình lập quy hoạch sử dụng đất nhằm mục đích phát triển kinh tế phải tiến hành điều tra, khảo sát, cân đối nhu cầu sử dụng đất cho mục đích đầu tư, cân đối nguồn lực đầu tư theo kế hoạch hàng năm và dự báo cho cả kỳ quy hoạch một cách khoa học, chính xác, hiệu quả và phù hợp với tốc độ phát triển ở từng lĩnh vực. “Lựa chọn vị trí đất để đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế, phải xem xét các yếu tố về thực trạng, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, tiềm năng đất đai, mật độ dân số, mức độ ảnh hưởng của người dân khi mất đất, tác động của môi trường khi đầu tư dự án phải quy định cụ thể để tránh việc thu hồi đất tràn lan gây bức xúc xã hội”, đại biểu Lê Thị Công nói. 
   
  Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) tán thành với quy định giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng. Theo đại biểu, điều này phù hợp với xu thế Việt Nam, hiện nay đang có uy tín khá tốt trong quá trình hội nhập quốc tế, đang mong muốn cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ và đang giải quyết mọi trở ngại để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
   
  Dự kiến, vào ngày 29/11 tới đây Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua.
Thúy Hằng
   
   
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này tốt hơn nhiều so với luật trước đó. Nhưng, còn một số điểm cần cân nhắc để phù hợp hơn. Trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển đất nước, đều có những mốc cần phải chỉnh sửa lại. Vì vậy, chúng ta cũng đừng ngạc nhiên bởi Luật được sửa lại nhiều lần. Tài sản đất đai là nguồn lực chính để phát triển kinh tế xã hội, do vậy việc sửa đổi Luật là chuyện bình thường. Đối với doanh nghiệp, Luật Đất đai sửa đổi nếu thực hiện đúng, sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh và đi đúng hướng hơn, chứ không phải là cái bong bóng. Nhiều đại gia, tiểu gia phát triển từ việc mua đi bán lại đất bằng cách mua trên giấy rồi bán lại đất nền. Theo tôi, luật lần này sẽ quản lý chặt chẽ hơn những hiện tượng nêu trên. Còn những doanh nghiệp đầu tư phát triển cho xã hội, theo tôi làm đúng thì sẽ rất tốt vì Luật bảo vệ cho người thực hiện dự án và bảo vệ quyền lợi cho người dân nếu được thực thi.
        
Ông Nguyễn Ngọc Phương, ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Theo tôi, giá đền bù đất từ xưa đến nay có kẽ hở trục lợi cho một nhóm lợi ích, chứ người dân không phải là nguyên nhân cơ bản gây ra khiếu kiện, khiếu nại. Vì mục đích quốc phòng hay kinh tế, an sinh xã hội, người dân vẫn sẵn sàng giao đất. Tuy nhiên, giá trị đất người dân sử dụng bao năm nay so với giá thị trường quá thấp, nảy sinh điều kiện không công bằng. Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định rõ đền bù theo giá thời điểm thu hồi và theo tôi Chính phủ cũng nên quy định rõ ngay ai là người thu hồi và ai người giám sát, tham gia. Ví dụ: Khi các tỉnh định giá đất, Hội đồng nhân dân đóng vai trò gì? Hay ĐBQH tham gia vấn đề gì? Đó là những vấn đề và yếu tố kèm theo để đảm bảo tính chính xác trong quá trình định giá đất.
        
    

   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Nóng” vấn đề thu hồi đất và giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO