Quốc hội thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

31/05/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 31/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã có phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh sẽ là: Tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật, 03 nghị quyết; cho ý kiến về 05 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 4, trình Quốc hội thông qua 06 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật (trong đó có 02 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể thông qua ngay tại 01 kỳ họp).

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi thảo luận tại Hội trường chiều 31/5. Ảnh: quochoi..vn
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi thảo luận tại Hội trường chiều 31/5. Ảnh: quochoi..vn

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Các đại biểu nhận định, so với các năm trước, việc lập đề nghị đưa các dự án vào Chương trình đã có nhiều cải tiến theo hướng thực chất hơn. Chính phủ, các cơ quan liên quan cùng với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tích cực phối hợp chuẩn bị để bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ các dự án theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đề nghị xây dựng luật cũng như nội dung thẩm tra đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu hơn, tập trung vào những nội dung chính sách được đề xuất quy định trong luật, có đánh giá tác động và khả năng thực hiện của từng chính sách…

Trong việc lập Chương trình năm 2018 và điều chỉnh Chương trình năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất nguyên tắc ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư;

Những dự án, dự thảo được đưa vào Chương trình phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án;

Việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan để bảo đảm chất lượng; Kiên quyết rút khỏi Chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định…

Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội phát biểu chiều 31/5. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan trình dự án luật cần tập trung vào các dự án luật mà cuộc sống đòi hỏi, để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp...

Theo chương trình kỳ họp, ngày mai 01/6, buổi sáng, Quốc hội sẽ ảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trợ giúp pháp lý. Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Hải Ngọc- Châu Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO