Quốc hội thảo luận về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

20/06/2013 00:00

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường ngày 18/6

Một số quy định còn thiếu tính khả thi

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, một số điều, khoản trong dự thảo luật sửa đổi còn chung chung, chồng chéo, khó khả thi và chưa sát với thực tế, một số lĩnh vực quan trọng với nhiều hành vi gây lãng phí về tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân đang diễn ra trong thực tiễn nhưng chưa được dự thảo luật quy định để làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền.

Đại biểu Ngô Thị Minh dẫn giải: Hiện các dự án bất động sản, các nhà máy, bến cảng, các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt các trường ngoài công lập, các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nâng cấp thành trường cao đẳng, đại học và nhiều lĩnh vực khác đang phát triển theo phong trào và quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội, cung cầu nguồn nhân lực, gây lãng phí rất lớn.

Đại biểu kiến nghị, Chính phủ sớm xem xét vấn đề này, đặc biệt đề nghị Chính phủ coi trọng hơn việc chỉ đạo xây dựng quy hoạch chi tiết từng ngành, từng lĩnh vực phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm vùng, miền phù hợp với quy hoạch tổng thể gắn với quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tính bền vững khả thi của quy hoạch chi tiết trên từng địa bàn dân cư.

Tán thành qua điểm trên, đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng, trong dự luật lặp đi lặp lại ở nhiều khoản, ở nhiều điều, tổ chức cá nhân không thực hành tiết kiệm, để xảy ra lãng phí phải giải trình trước công luận, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, quy định này quá chung chung, mang tính khẩu hiệu, không có chế tài cụ thể. “Nếu tổ chức, cá nhân không giải trình thì lãng phí, không tiết kiệm phải xử lý ra sao, cơ quan nào kết luận đó là lãng phí không tiết kiệm”, đại biểu Trương Thái Hiền đặt câu hỏi.


Cần có quy định tránh lãng phí tài nguyên

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bày tỏ: tình trạng lãng phí hiện nay, việc lãng phí tiền bạc, tài nguyên, việc lãng phí thời gian cũng không kém phần nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, yếu tố thời gian quan trọng hơn tiền bạc, chúng ta ít quan tâm. Trong lĩnh vực năng lượng chúng ta có mức tiêu hao năng lượng cao hơn nhiều so với các nước khu vực, làm cho sản phẩm kém cạnh tranh, vấn đề này liên quan đến sự lạc hậu công nghệ, bao cấp giá điện… cho nên để tiết kiệm được năng lượng cần có chính sách khuyến khích đối với công nghệ, điều chỉnh giá điện hợp lý.

Còn đại biểu Trần Hồng Thắm (Quảng Ngãi) bày tỏ, chúng ta đều nhận thức được rằng nguồn tài nguyên quốc gia không phải là vô hạn. Cử tri và nhân dân cả nước hiện đang rất bức xúc về việc khai thác rừng bừa bãi, lâm tặc lộng hành hay nạn khai thác cát tràn lan trên các sông ngòi…. Bên cạnh đó, rất nhiều loại tài nguyên thuộc loại không tái tạo được như than, dầu thô, quặng kim loại, mà chỉ quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả là chưa thật sự đầy đủ và tiết kiệm.

“Nên chăng, chúng ta cần quy định việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên phải tính đến hiệu quả lâu dài, bền vững, hạn chế quản lý, sử dụng với lợi ích thấp, ngắn hạn, làm lãng phí nguồn lực cho tương lai, ảnh hưởng môi trường và sự bình yên cho cuộc sống của người dân”, đại biểu Trần Hồng Thắm nói.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung cụm từ và yêu cầu phát triển bền vững vào cuối Khoản 2 Điều 40 để nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý tài nguyên trên cơ sở tính toán tác động, hiệu quả kinh tế và yêu cầu phát triển bền vững của quốc gia.

Về trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân được giao khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản được quy định tại Khoản 2, Điều 43, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung vào Điểm c sau cụm từ "các quy định của pháp luật về khai thác" một nội dung mới đó là: "ký quỹ môi trường, hoàn nguyên môi trường sau khi khai thác". Đồng thời tại Khoản 2, đề nghị bổ sung thêm Điểm d với nội dung thực hiện tận thu khoáng sản và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ của hoạt động khai thác khoáng sản. Theo đại biểu, như vậy, sẽ phản ánh đúng đòi hỏi của thực tiễn và làm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thúy Hằng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO