Quốc hội thảo luận về dự án Luật quy hoạch

26/05/2017 00:00

(TN&MT) - Sáng 26/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quy hoạch.  

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quy hoạch.

Báo cáo nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật quy hoạch. Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhất trí với nội dung do Chính phủ trình; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên hành lang Kỳ họp thứ 3. Ảnh: Việt Hùng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên hành lang Kỳ họp thứ 3. Ảnh:Việt Hùng

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tổ chức làm việc riêng với 8 Bộ  còn có ý kiến khác với dự thảo Luật, chủ trì đối thoại liên bộ giữa Cơ quan soạn thảo với các Bộ hữu quan, làm việc riêng giữa Cơ quan chủ trì thẩm tra và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; tổ chức các cuộc hội thảo tại 3 miền lấy ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách... Dự thảo Luật đã được tiếp thu và sắp xếp lại bố cục cho hợp lý hơn gồm 6 Chương và 69 Điều.

Trong mục “giải thích từ ngữ” của báo cáo, có ý kiến cho rằng cần giữ lại tên “Quy hoạch sử dụng biển” theo quy định tại Luật biển Việt Nam và Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để tránh việc sửa đổi nhiều luật, đặc biệt là Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mới được ban hành năm 2015. Nhiều ý kiến cho rằng cần đổi tên quy hoạch liên quan đến không gian biển thành “Quy hoạch không gian biển quốc gia” để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế…

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng không gian biển là không gian mở, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh quốc phòng. Đây là khoảng không gian không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà còn cả các cam kết quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về biển năm 1982. Theo Công ước của Liên hợp quốc về biển năm 1982, chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình.

Quốc gia ven biển có thể định ra, phù hợp với các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế, các luật và quy định liên quan đến việc đi qua không gây hại ở trong lãnh hải của mình . Đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển cả), quốc gia ven biển chỉ có quyền chủ quyền và quyền tài phán  đối với một số lĩnh vực nhất định, quốc gia ven biển cũng phải tôn trọng quyền tự do biển cả.

“Theo đó, nếu dùng thuật ngữ “quy hoạch sử dụng biển” thì phạm vi quy hoạch chỉ có thể trong vùng lãnh hải. Mặt khác, thuật ngữ “quy hoạch không gian biển” đã được nhiều quốc gia sử dụng từ rất lâu (như Hoa Kỳ, Australia, một số quốc gia thuộc Cộng đồng Châu Âu, Trung Quốc...). Vì vậy, để phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, quy hoạch đối với không gian biển cần được đặt tên là “quy hoạch không gian biển quốc gia” - báo cáo nêu rõ.

Theo đó, quy hoạch này sẽ phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành như giao thông, năng lượng, bảo tồn biển, khai thác cát sỏi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, an ninh trên biển, du lịch… trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, hải đảo và vùng đất ven biển nhằm đảm bảo bảo vệ quốc phòng an ninh, sự liên kết giữa các ngành và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển.

Như vậy, phạm vi và nội dung quy hoạch không gian biển sẽ bao hàm cả nội dung quy hoạch sử dụng biển của cả nước và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và bảo vệ môi trường, trong đó khái niệm “vùng bờ” là thuật ngữ đã được sử dụng trong Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lập quy hoạch sử dụng biển quốc gia theo phương pháp tích hợp, về bản chất được thể hiện như quy hoạch không gian biển quốc gia mà một số nước đã lập và thực hiện.

Về lập quy hoạch lưu vực sông, có ý kiến đề nghị lập riêng quy hoạch lưu vực sông vì quản lý lưu vực sông là vấn đề rất quan trọng do việc quản lý tài nguyên nước không chỉ quan trọng đối với phát triển kinh tế mà còn gắn với việc giữ gìn bản sắc Việt Nam.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Hiện nay có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch lưu vực sông ví dụ: Bộ Tài nguyên môi trường lập quy hoạch tài nguyên nước tổng hợp lưu vực sông, trong khi đó Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng lập quy hoạch thuỷ lợi tổng hợp lưu vực sông. Mặt khác, vấn đề quản lý lưu vực sông không chỉ đơn thuần là quản lý nước hay thuỷ lợi mà là phát triển kinh tế - xã hội liên quan tới lưu vực sông đó như phát triển sản xuất, hệ thống hạ tầng, đô thị.

Do đó, nội dung quy hoạch lưu vực sông phải được xem xét trong mối tương quan với quy hoạch các cấp tương ứng. Dự thảo Luật đã quy định các nội dung quy hoạch lưu vực sông liên vùng thuộc quy hoạch quốc gia, lưu vực sông liên tỉnh thuộc quy hoạch vùng, lưu vực sông liên huyện thuộc quy hoạch tỉnh tại các Điều 23, 27 và 28 của dự thảo Luật…

Sau phần trình bày báo cáo của ông Vũ Hồng Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quy hoạch. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Hải Ngọc - Châu Tuấn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về dự án Luật quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO