Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ

01/06/2018 15:07

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, chiều 1/6, dưới sự Điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ

0106 ô Đỗ Bá Tỵ
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều khiển phiên họp chiều 1/6. Ảnh: Quốc Khánh

Ngay trước khi bước vào phiên Thảo luận, Quốc hội đã nghe ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ưởng Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ.
 

0106 Chủ tịch QH và các BT
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các vị Đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao phiên họp chiều ngày 1/6/2018 - Ảnh: Quốc Khánh


Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ: sau Kỳ họp thứ 4, (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ. UBTVQH đã có báo cáo số 271/BC-UBTVQH14 gửi các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này.

0106 ô Phan Xuân Dũng
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ trình bày báo cáo tại phiên họp chiều 1/6. Ảnh: Quốc Khánh

Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1), ông Phan Xuân Dũng cho biết: Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của Luật về: chất lượng sản phẩm Đo đạc và bản đồ, công trình hạ tầng đo đạc; thông tin dữ liệu, sản phẩm Đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, quốc gia; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động Đo đạc và bản đồ.

Tiếp thu ý kiến góp ý của các vị Đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa lại phạm vi điều chỉnh theo hướng liệt kê các nội dung quy định trong các Chương của Dự thảo Luật nhằm thể hiện đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn phạm vi điều chỉnh của Luật; tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng tiếp thu
Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Cục trưởng cục Đo đạc bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam - ông Phan Đức Hiếu (ngồi hàng hai từ trên xuống) lắng nghe, ghi chép ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quốc Khánh

Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 4), ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các nguyên tắc: bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; kế thừa, sử dụng chung và chia sẻ thông tin để bảo đảm thống nhất, không gây lãng phí; xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động Đo đạc và bản đồ; hoạt động Đo đạc và bản đồ phải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tiếp thu ý kiến xác đáng nêu trên, Dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc hoạt động Đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; thông tin, dữ liệu, sản phẩm Đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng và an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; việc sử dụng công trình hạ tầng đo đạc, thông tin, dữ liệu, sản phẩm Đo đạc và bản đồ được xây dựng bằng ngân sách nhà nước là tài sản công, phải được kế thừa, sử dụng, quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật v.v. như đã được thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo Luật.

Cũng có ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung quy định cụ thể trong Luật việc cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu ĐĐ&BĐ trong một số trường hợp cụ thể… Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Luật Phí và Lệ phí năm 2015 đã quy định việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ĐĐ&BĐ phải trả phí. Do vậy, việc cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được miễn, giảm hoặc không được miễn, giảm phí thì không quy định trong Luật này để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật.

Đại biểu phát biểu
Đại biểu góp ý Dự thảo luật Đo đạc và Bản đồ. Ảnh: Quốc Khánh

Về cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia (Điều 15); xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia (Điều 16): Có ý kiến ĐBQH đề nghị cần rà soát quy định của Dự thảo Luật với Luật Quy hoạch đô thị để xác định tỷ lệ cơ sở dữ liệu (CSDL) nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; bổ sung quy định đối với đo đạc, thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn hơn 1:2.000; bổ sung nội dung về đo đạc địa hình phục vụ “quy hoạch nông thôn”; quy định bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ lớn được lập cho khu vực đảo, quần đảo và vùng biển ven bờ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Để phục vụ quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng ở các cấp độ khác nhau cần đến bản đồ địa hình ở các tỷ lệ lớn hơn 1:2.000, thì chủ đầu tư phải thực hiện khảo sát lập bản đồ địa hình đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, về xây dựng và pháp luật khác có liên quan. Các bộ quản lý chuyên ngành hướng dẫn hoạt động ĐĐ&BĐ chuyên ngành nhưng bảo đảm nguyên tắc phải sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm từ hoạt động ĐĐ&BĐ cơ bản.

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 được thành lập cho “quy hoạch nông thôn” như tại khoản 3 Điều 15; chỉnh sửa quy định tại khoản 4 Điều 15 về “bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ lớn được thành lập cho khu vực các đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển”.   

Toàn cnahr 1
Toàn cảnh phiên họp chiều 1/6. Ảnh: Quốc Khánh

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật bản đồ địa hình với tỷ lệ trung bình và nhỏ theo chuẩn quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình đáy biển phía ngoài lãnh hải để phục vụ quân sự và đa ngành; giao UBND cấp tỉnh xây dựng, cập nhật bản đồ địa hình trên các đảo và  quần đảo… Về các đề nghị nêu trên, UBTVQH báo cáo: Cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình đáy biển là một trong các thành phần của cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia. Tại điểm b khoản 2 Điều 41 Luật Quy hoạch (năm 2017) đã quy định “Bộ TN&MT cung cấp cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa, được cập nhật thường xuyên để tạo dữ liệu khung cho hệ thống thông tin và CSDL quốc gia về quy hoạch”. Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển vùng biển Việt Nam; đồng thời Bộ Quốc phòng vẫn thực hiện hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển phục vụ mục đích quốc phòng…

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia như tại Điều 16 của Dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại điểm e Khoản 3 Điều 57: “Thực hiện các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ khác do Chính phủ giao” để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ mục đích quốc phòng. Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm xây dựng, cập nhật bản đồ địa hình tỷ lệ lớn khu vực các đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển và giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện như quy định tại Khoản 2 Điều 16.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề cập đến các nội dung như: Về đo đạc, thành lập hải đồ (Điều 27); Đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm (Điều 29); Về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (Mục 2 Chương VI); Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ (Điều 51, 52 và 53); Quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ…

“Ngoài những vấn đề nêu trên, Dự thảo Luật cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị ĐBQH về bố cục, văn phong, kỹ thuật văn bản. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 09 chương, 61 điều, giảm 02 điều so với Dự thảo Luật Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4…” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nói.

Ngay sau đó, các vị Đại biểu Quốc hội đang phát biểu sôi nổi tại Hội trường. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật trong các bản tin tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO