Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi): Cần tiết kiệm trong khai thác, sử dụng tài nguyên

05/11/2013 00:00

(TN&MT) - Ngày 4/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc cần tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng...

(TN&MT) -  Ngày 4/11, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc cần tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản.
   
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN
   
  Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng, nguyên tắc tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên (Điều 46 quy định về khai thác chế biến khoáng sản) còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, thiếu tính chặt chẽ. Cụ thể là, thay cho việc phải sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường trong khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản, đáp ứng với yêu cầu phát triển trong tình hình mới, Dự thảo Luật lại quy định (Khoản 3 Điều 46) là sử dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, khai thác sử dụng hợp lý hiệu quả tiết kiệm đúng mục đích.
   
  Đại biểu cho rằng, quy định như vậy còn chung chung thiếu tính chặt chẽ, tạo kẽ hở dễ dẫn đến việc biến nước ta thành nơi chứa rác thải công nghệ. Với quy định này cũng sẽ dẫn đến việc nhập khẩu công nghệ cũ lạc hậu, chế biến kém hiệu quả làm thất thoát tài nguyên. Bên cạnh đó, theo ý kiến đại biểu, nên quy định thêm về công tác nghiên cứu, hợp tác quốc tế về đổi mới công nghệ phục vụ chế biến sâu, khai thác chế biến làm giàu tài nguyên, khoáng sản, đáp ứng với yêu cầu chế biến sâu và chế biến sâu khoáng sản thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. “Ban soạn thảo nên bổ sung nội dung tại Khoản 3 cho chặt chẽ và rõ ràng, cụ thể hơn đó là phải sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại làm giàu quặng trong khai thác và chế biến sâu tài nguyên”, đại biểu Triệu Là Pham kiến nghị.
   
  Tán thành với ý kiến của đại biểu Triệu Là Pham, một số đại biểu cũng cho rằng, sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác chế biến tài nguyên đảm bảo hợp lý hiệu quả, tiết kiệm đúng mục đích. Mặt khác, cơ quan cấp phép khai thác, chế biến tài nguyên cần phải chịu trách nhiệm về việc cho phép sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong khai thác chế biến tài nguyên.
   
  Về vấn đề hoàn nguyên môi trường sau khai thác, đại biểu Triệu Là Pham đề nghị Ban soạn thảo nên chỉnh lý lại "hoàn nguyên môi trường" bằng câu "hoàn thổ và trồng rừng thay thế" để đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu.  Theo lập luận của đại biểu, quá trình khai thác khoáng sản đã làm phá vỡ cảnh quan môi trường, làm thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái của cả vùng xung quanh vùng mỏ.
   
  Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại kiến nghị thêm khoản mới bổ sung quy định hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên tái chế trong đó bao gồm không thực hiện phân loại, xử lý tái chế chất thải theo quy định; Gây khó khăn, cản trở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các dự án sử dụng tài nguyên tái chế. Bởi lẽ, thực tiễn ở nhiều tỉnh, thành phố hiện có rất nhiều dự án triển khai nhưng gặp trở ngại do có những cơ quan, tổ chức, cá nhân gây khó khăn, cản trở.
   
  Liên quan đến việc tiết kiệm trong quy hoạch, một số đại biểu nhắc đến việc loại bỏ khỏi quy hoạch 400 dự án thủy điện đã gây lãng phí vô cùng lớn. Do vậy, cần bổ sung trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí việc lập, quản lý các loại quy hoạch này.
Thúy Hằng
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi): Cần tiết kiệm trong khai thác, sử dụng tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO