Quốc hội thảo luận dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019

30/05/2018 18:55

(TN&MT) - Sáng 30/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Trước phiên thảo luận, Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, cho biết, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu.

3005 Quang cảnh
Quang cảnh phiên họp sáng 30/5. Ảnh: quochoi.vn


Công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan quan tâm, tích cực và chủ động hơn. Công tác soạn thảo, thẩm định được coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện. Chính phủ bố trí nhiều thời gian hơn và tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến về các dự án. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra các dự án, tích cực thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi được Quốc hội cho ý kiến.

Theo báo cáo, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế: hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên (năm 2017, bổ sung 06 dự án, lùi thời gian trình 05 dự án, rút khỏi Chương trình 03 dự án, 02 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp; năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 03 dự án, bổ sung 10 dự án)...

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án. Trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình.

Phát biểu của nhiều đại biểu còn trùng lặp, chưa tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến. Kỹ thuật văn bản còn một số điểm chưa thống nhất. Nhiều trường hợp gửi hồ sơ dự án đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định.

Thảo luận về nội dung này, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, trong đó có đánh giá về những tồn tại, hạn chế về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018 các đại biểu cho rằng, những tồn tại nêu trong báo cáo cũng là những tồn tại trong nhiều năm qua nhưng chưa vẫn chưa được khắc phục…

Tổng kết phiên thảo luận Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, trong buổi sáng 30/5, đã có 19 vị đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, trong đó có 15 vị đại biểu đã phát biểu tại hội trường. Có 6 vị đại biểu Quốc hội đã tranh luận, còn 3 vị đăng ký nhưng chưa kịp tranh luận. Có 4 vị đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng cũng chưa kịp phát biểu ý kiến.

Theo nhận xét của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, qua phát biểu và tranh luận tại hội trường, nhìn chung không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Hầu hết các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo nghị quyết. Đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể, phân tích sâu sắc nguyên nhân của các hạn chế bất cập, nhất là các nguyên nhân chủ quan. Để đề cao kỷ cương, kỷ luật cũng như trách nhiệm trong xây dựng pháp luật và các vị đại biểu Quốc hội đề xuất rất nhiều giải pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh.

Một số vấn đề cụ thể về điều chỉnh chương trình. Trong nghị quyết chương trình Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 5 dự án luật, điều chỉnh thời gian trình 2 dự án luật, đưa ra khỏi chương trình năm 2018 3 dự án luật. Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội đồng ý sẽ trình thông qua 6 dự án luật và 1 nghị quyết, trình Quốc hội cho ý kiến về 9 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 8 thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 3 dự án luật. Ở đây có một số dự án luật các vị đại biểu Quốc hội đề nghị cần bảo đảm đúng chương trình, như Luật Đất đai sửa đổi trong chương trình dự kiến đưa vào năm 2019. Một số đại biểu Quốc hội đề nghị sớm đưa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vào chương trình năm 2019. Trong Luật Công đoàn hiện nay đang còn 2 loại ý kiến.

Một loại ý kiến của một số đại biểu đề nghị bảo đảm để triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII thì sớm cùng ban hành, cùng trình với các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Nhưng có một vài ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thêm thời điểm để ban hành luật này. Các vị đại biểu Quốc hội có một số đề nghị cần phân tích, đánh giá xác thực hơn, cụ thể hơn về bất cập, hạn chế như ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã giải trình với đại biểu Quốc hội báo cáo thêm một số thông tin để các vị đại biểu Quốc hội nắm được.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị cần sửa đổi quy trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh, nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và thảo luận chương trình này, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp, không cần có một buổi hay một ngày thảo luận về vấn đề này. Có đại biểu Quốc hội tranh luận, tôi xin báo cáo Quốc hội đây là vấn đề thuộc thẩm quyền lập pháp của Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp, trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong Hiến pháp nói rằng "Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao". Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể xây dựng chương trình hoặc ra pháp lệnh tự mình rồi đề nghị Quốc hội ban hành theo tinh thần và chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định được…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO