Quốc hội nêu 12 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian còn lại của năm 2018

21/05/2018 12:38

(TN&MT) - Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018, ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nêu 12 nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2018.

Ô Vũ Hồng Thanh
Ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội


Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2017. Đến nay, kết quả đánh giá lại cho thấy có thêm một số chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch và đạt kết quả tích cực hơn (04 chỉ tiêu đạt và 08 chỉ tiêu vượt kế hoạch, theo báo cáo tháng 10/2017 thì có 08 chỉ tiêu đạt và 05 chỉ tiêu vượt kế hoạch), có 02 chỉ tiêu đạt thấp hơn so với số đã báo cáo trong đó có 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP) .

Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh: Năm 2017, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,81%, cao nhất từ năm 2011 đến nay , cả 03 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có sự tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện , thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại diễn ra sôi động. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm... có những chuyển biến tốt hơn, an sinh xã hội được quan tâm. Các kết quả này đạt được là nhờ sự chỉ đạo tích cực và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

IMG 9132
Toàn cảnh phiên khai mạc

Sau khi phân tích các tình hình, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2018. Theo đó, trong những tháng còn lại của năm 2018, bên cạnh việc tiếp tục triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 4, 5, 6, 7 khóa XII và của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

1 - Triển khai các giải pháp mạnh để tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện từ quá trình điều hành kinh tế-xã hội năm 2017. Cần quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của Hiến pháp năm 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật;

2 - Triển khai tích cực, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, giải pháp trong các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, tập trung chỉ đạo triển khai các công trình quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông; đánh giá rõ các nội dung này trong báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2018. Sớm báo cáo Quốc hội về việc triển khai dự án Metro và đường sắt trên cao tại Tp. Hà Nội và Tp. HCM… Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát hoặc tổ chức kịp thời các phiên giải trình đối với những vấn đề “nóng” gây bức xúc đối với cử tri. Thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ bảo đảm thực chất đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định;

3 - Triển khai quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, có phương án về chính sách xã hội, tránh ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động. Triển khai kịp thời các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII;

4 - Đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục hành chính và xử lý các sai phạm. Sớm khắc phục tình trạng có sự khác biệt giữa các cấp chính quyền về cả nhận thức và hành động trong cải cách hành chính; siết chặt kỷ cương và tăng cường trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan trong thi hành công vụ. Xây dựng đồng bộ Chính phủ điện tử gắn với bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin quốc gia;

5 - Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội, cần tạo sự chuyển biến thực chất về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, tiếp tục đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại DNNN và việc xử lý các DNNN thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, xử lý nghiêm lãnh đạo các DNNN vi phạm các quy định về công bố thông tin, tài chính, kế toán. Sớm ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm các điều kiện cần thiết để cơ quan này phát huy được hiệu quả trong thực tiễn;

6 - Tập trung cơ cấu lại, kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN, cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đề xuất các loại thuế mới. Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cần nhận thức đầy đủ các hạn chế, bất cập được rút ra từ việc quyết toán NSNN năm 2016  và các năm trước để có giải pháp quyết liệt trong kỷ luật NSNN kể từ năm 2018 trở đi. Trong khuôn khổ cho phép của trần nợ công, cân đối tổng thể các nguồn lực để rà soát, xây dựng các danh mục dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao nhằm tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Quan tâm, bố trí đủ nguồn lực tài chính để thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chương trình, dự án đã phê duyệt;

7 - Cần tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ quá trình cơ cấu lại và tăng trưởng tín dụng của các TCTD đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhanh chóng xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi; tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp về cơ cấu lại các TCTD, hoàn thiện phương án xử lý đối với 03 NHTM mua bắt buộc, có chính sách kịp thời xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Có giải pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý, xử lý đối với các loại tiền ảo;

8 - Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho nông sản, thủy sản. Hỗ trợ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của người dân theo tín hiệu thị trường. Trong năm 2018, hoàn thành xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 32/2016/QH14 của Quốc hội. Tăng cường kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43/2017/QH14 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm;  

9 - Quan tâm, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiếp cận, thích ứng với những cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là đổi mới về tư duy trong quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực đạt trình độ chuyên môn cao, thích ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, thay đổi cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động giúp tăng năng suất lao động. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và quản lý báo chí nhất là nội dung truyền thông trên Internet;

10 - Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai ở các thành phố lớn, các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trong quản lý và sử dụng đất công, công tác quản lý quy hoạch đô thị ở các thành phố, nhất là ở Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Có giải pháp để thị trường bất động sản vận hành ổn định, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án phát triển nhà ở, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng… và sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật điều chỉnh đối với các loại hình này;

11 - Có biện pháp quyết liệt để chủ động bảo đảm an toàn cháy, nổ trong các văn phòng, khu dân cư, nhà cao tầng và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sai phạm. Tiếp tục có giải pháp giảm tình hình tai nạn giao thông, quyết liệt xử lý đối với các vấn đề về đạo đức và bạo lực xảy ra ở các cơ sở y tế, giáo dục. Rà soát, kiểm tra tổng thể công tác quản lý nhà nước đối với các công trình xây dựng cao tầng, đối với việc kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng.

12 - Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sửa chữa các công trình đê điều, hồ đập bị sự cố trong vùng thiên tai và bố trí vốn, xử lý các trọng điểm về sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông, suối biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tiếp tục giám sát chặt chẽ công tác phục hồi môi trường biển, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản và khẩn trương ổn định dân cư, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh tại các tỉnh chịu thiên tai, sự cố môi trường biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội nêu 12 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian còn lại của năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO