Quốc hội giám sát thực hiện chính sách giao đất giao rừng tại Điện Biên

26/08/2017 00:00

(TN&MT)- Trong 2 ngày (24 và 25/8) đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đi giám sát “Tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 – 2016” trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát Hội đồng dân tộc Quốc Hội
Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát Hội đồng dân tộc Quốc Hội

Sau khi đi giám sát công tác giao đất, giao rừng tại huyện Điện Biên Đông và huyện Mường Chà, đoàn giám sát Hội đồng dân tộc Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên về công tác giao đất giao rừng, giai đoạn 2006 – 2016.

Thời gian qua, công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng; các văn bản dưới luật đã được tỉnh Điện Biên quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Qua đó nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư, hộ gia đình đã được nâng lên. UBND tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban chỉ đạo kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng các cấp.

Trong thời gian từ 2006 – 2016, tỉnh Điện Biên đã tiến hành giao đất, giao rừng cho 1.135 cộng đồng dân cư với diện tích trên 262.249 ha, đạt 97,57%; giao trên 8.610 ha diện tích đất cho 3.372 hộ gia đình, cá nhân là, đạt 3,17%%.

Sau khi thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình đã sử dụng đúng mục đích, ranh giới được giao; ý thức quản lý, bảo bệ rừng đã được nâng lên.

Đoàn Hội đồng dân tộc Quốc hội giám sát thực hiện chính sách giao đất, giao rừng tại huyện Điện Biên Đông.
Đoàn Hội đồng dân tộc Quốc hội giám sát thực hiện chính sách giao đất, giao rừng tại huyện Điện Biên Đông.

Tuy nhiên, sau khi giao đất, giao rừng vẫn còn tồn tại những hạn chế: tình trạng phá rừng cao, tranh chấp đất rừng vẫn xảy ra, năng lực quản lý rừng của một số cộng đồng và hộ gia đình chưa cao. Nguyên nhân là do tập tục canh tác truyền thống nương luân canh, tình trạng dân di cư tự do nhiều diễn biến phức tạp, dẫn đến phá rừng làm nương canh tác…

Tại buổi làm việc đại diện các sở, ngành tỉnh Điện Biên cũng trao đổi làm rõ một số nội dung mà đoàn giám sát Hội đồng dân tộc Quốc hội còn băn khoăn về việc cấp quyền sử dụng đất; số diện tích đất có rừng và đất chưa có rừng chưa tiến hành giao được; làm rõ kinh phí thu - chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Phía tỉnh Điện Biên có một số ý kiến, đề nghị Nhà nước thực hiện đầu tư chính sách đảm bảo phát triển rừng phòng hộ; Chính Phủ để 2 Bộ Tài nguyên và môi trường và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất tiêu chí phân loại đất. Đối với diện tích cây cao su đã khuếch tán, mong muốn được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chia sẻ những khó khăn, tồn tại với tỉnh Điện Biên trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng; đồng chí nhấn mạnh thời gian tới tỉnh cần quan tâm nâng tỷ lệ giao đất, giao rừng; lựa chọn xây dựng mô hình sinh kế phù cho người dân. Với những kiến nghị của tỉnh Điện Biên, đoàn sẽ tiếp thu báo cáp Chính Phủ, Quốc Hội xem xét.

Nam Hương – Hoàng Châu

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội giám sát thực hiện chính sách giao đất giao rừng tại Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO