Quảng Trị: Tổ chức 4 đợt kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng trong năm 2017

07/11/2017 00:00

(TN&MT) - Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn đã tổ chức 4 đợt kiểm tra, truy quét tại...

 

(TN&MT) - Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn đã tổ chức 4 đợt kiểm tra, truy quét tại rừng. 

Cụ thể, Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa phối hợp với Công an huyện Hướng Hóa , Bộ Chỉ huy quân sự huyện Hướng Hóa, UBND xã Hướng Linh và Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông  tổ chứ chốt chặn và truy quét theo Chỉ thị 12 là 2 đợt tại các khu vực thuộc Tiểu khu 679, xã Hướng Linh. Kết quả đã phát hiện và thu giữ 18,577 m3 gỗ, đẩy đuổi 51 đối tượng ra khỏi rừng.

Hạt Kiểm lâm Đakrông phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, UBND xã A Ngo đã kiểm tra, truy quét tại Tiểu khu 760, xã A Ngo 1 đợt. Kết quả đã phát hiện phá hủy tại rừng 1 lán trại, thu giữ 7 hộp gỗ xẻ. Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông đã phối hợp với lực lượng Công an, UBND xã Húc Nghì và Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông cùng các lực lượng bảo vệ rừng đã tiến hành truy quét tại các Tiểu khu 745A, 746, 733, 731 dọc hai bên tuyến quốc lộ từ thôn La Tó, xã Húc Nghì đến xã A Bung, huyện Đakrông 1 đợt, kết quả đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ 13 hộp gỗ, 3 máy tời tự chế, phá hủy 3 lán trại xây dựng trái phép trong rừng đặc dụng.

Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra các hoạt động khai thác, bảo vệ rừng tại địa phương
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra các hoạt động khai thác, bảo vệ rừng tại địa phương

Được biết, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp xâm lấn đến đất rừng.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn xảy ra tình trạng người dân địa phương xâm lấn đến đất rừng của các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các Công ty lâm nghiệp và rừng do UBND xã quản lý để khai hoang trồng rừng và trồng các loại cây công nghiệp, làm nương rẫy… đang có chiều hướng gia tăng. Đối tượng rừng tự nhiên thường bị xâm hại là rừng phục hồi, chất lượng kém, tập trung tại các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ.

Cụ thể, tại huyện Vĩnh Linh từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 3 vụ phá rừng, phát đốt rừng trái phép để trồng rừng với diện tích hơn 9,5 ha. Tại huyện Cam Lộ, khu vực xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế tập trung tại các xã Cam Thành, Cam Nghĩa với 9 vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, diện tích thiệt hại gần 25 ha.

Lực lượng chức năng Quảng Trị bắt giữ một vụ buôn bán, vận chuyển gỗ lậu trái phép
Lực lượng chức năng Quảng Trị bắt giữ một vụ buôn bán, vận chuyển gỗ lậu trái phép

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Quảng Trị, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng  do đời sống của một bộ phận người dân địa phương còn khó khăn, dân số tăng, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm. Do tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số “phát, đốt, cuốc, trỉa” và ý thức của một số người dân chưa cao trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng nên tình trạng cháy rừng, xâm lấn rừng tự nhiên vẫn còn xảy ra. Nhu cầu sử dụng lâm sản ngày càng cao, nguồn cung cấp gỗ có những hạn chế. Lực lượng bảo vệ rừng mỏng, công tác quản lý, bảo vệ rừng có lúc còn lỏng lẻo dẫn đến việc phát hiện, bắt giữ đẩy đuổi các đối tượng khai thác cất giữ lâm sản trong lâm phần quản lý chưa kịp thời.

Việc giao rừng tự nhiên chỉ mới dừng lại ở chính sách hưởng lợi từ sự tăng trưởng của rừng mà khi đó thì người dân chờ đợi trong thời gian khá dài, ngoài ra không có chính sách hỗ trợ nào khác cho các tổ đội bảo vệ rừng nên hạn chế việc người dân chủ động tuần tra, bảo vệ rừng…

Tiến Nhất

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Tổ chức 4 đợt kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng trong năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO