Quảng Trị: Khó khăn trong công tác khắc phục thiệt hại về rừng do thiên tai gây ra

04/10/2017 00:00

(TN&MT) - Sau ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 vừa qua, hiện Quảng Trị đang rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài, trong...

 

(TN&MT) - Sau ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 vừa qua, hiện Quảng Trị đang rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài, trong đó đáng chú ý là thiệt hại về rừng trồng…

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng các cơ quan ban ngành liên quan trực tiếp kiểm tra thiệt hại về rừng do bão số 10 gây ra trên địa bàn huyện Vĩnh Linh
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng các cơ quan ban ngành liên quan trực tiếp kiểm tra thiệt hại về rừng do bão số 10 gây ra trên địa bàn huyện Vĩnh Linh

Cơn bão số 10 đổ bộ vào tỉnh Quảng Trị vào giữa tháng 9/2017 đã gây ra thiệt hại đáng kể về tài sản đặc biệt là rừng trồng và các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể: Diện tích rừng sản xuất (chủ yếu cây tràm tập trung ở hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh) bị thiệt hại hơn 3.500 ha, trong đó: thiệt hại trên 70%: 185 ha; từ 50-70%: 824 ha; từ 30-50%: 1.882 ha; dưới 30%: 666 ha.

Theo thống kê của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, bão số 10 đã khiến gần 2.800 ha rừng trồng (từ năm 2004 – 2012) thuộc các Tiểu khu tại xã Linh Thượng, huyện Gio Linh bị gãy đổ từ 5 - 20%. Đường lâm nghiệp và ngầm tràn từ bản Thúc vào Trạm quản lý, bảo vệ rừng tại Tiểu khu 604 xã Linh Thượng, Gio Linh bị sạt lở và cuốn trôi không thể vào Trạm. Tổng giá trị thiệt hại do bão số 10 gây ra hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc BQL rừng phòng hộ lưu vực Sông Bến Hải cho biết: “Đối với diện tích rừng trồng đã có quyết định bán lấy giá có tỷ lệ cây bị gãy đổ từ 15% - 20% sau bão số 10 ngày 23/9/2017 BQL  rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định. Đối với diện tích rừng trồng từ năm 2005 – 2007 (hơn 1,1 nghìn ha) có tỷ lệ đổ gãy từ 5% - 10% nhưng số cây bị nghiêng tiếp tục đổ tương đối nhiều đề nghị tỉnh cho chủ trương lập hồ sơ tận thu…”.

“Đối với tuyến đường lâm nghiệp và ngầm Tràn từ bản Thúc vào Trạm 604 (huyện Gio Linh) hiện nay không vào được đề nghị các cấp trên liên quan sớm bố trí kinh phí khắc phục để Trạm quản lý bảo vệ rừng 604 sớm đi vào hoạt động bình thường và phục vụ kịp thời đúng thời vụ cho công tác vận chuyển vật tư, cây giống để trồng rừng Dự án Jiaca 2  kế hoạch năm 2017 đúng tiến độ” – ông Hùng cho biết thêm.

Đối với Công ty Lâm nghiệp Bến Hải (Vĩnh Linh), bão số 10 khiến hơn 1.000 ha diện tích rừng trồng của Công ty gãy đổ với thiệt hại ước tính gần 88 tỷ đồng, gồm các diện tích thuộc: Rừng trồng kinh tế, rừng trồng Dự án 661, rừng trồng thông nhựa.

Ông Hoàng Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty nói: “Hiện nay, việc khắc phục hậu quả sau bão còn gặp nhiều khó khăn, giá cả thị trường đối với các sản phẩm gỗ sau bão đang xuống rất thấp, chi phí nhân công lao động tăng cao… vì thế Công ty đề nghị chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ Công ty khắc phục hậu quả nhằm ổn định tổ chức sản xuất trong thời gian tới.”

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng các cơ quan ban ngành liên quan trực tiếp kiểm tra thiệt hại về rừng do bão số 10 gây ra trên địa bàn huyện Vĩnh Linh
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng các cơ quan ban ngành liên quan trực tiếp kiểm tra thiệt hại về rừng do bão số 10 gây ra trên địa bàn huyện Vĩnh Linh

Là người thường xuyên trực tiếp có mặt kiểm tra diễn biến, thiệt hại trước, trong và sau cơn bão số 10 gây ra tại các vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nhằm khắc phục những hậu quả nặng nề do cơn bão số 10 vừa đổ bộ cũng như có phương án đối phó với diễn biến thất thường thời tiết thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị các chủ rừng có diện tích bị thiệt hại sớm tiến hành rà soát, kiểm kê để địa phương có kế hoạch hỗ trợ phù hợp, theo đúng quy định. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các chủ rừng hoàn thiện hồ sơ một cách kịp thời, đồng thời tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch phân bổ nguồn vốn hỗ trợ thiệt hại thiên tai của Trung ương đúng quy định.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch cơ cấu lại giống cây trồng phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng, địa phương trước sự biến đổi của khí hậu cũng như thiên tai bão lũ. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ trước mắt và lâu dài về thiệt hại do thiên tai gây ra để tỉnh đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ kịp thời, sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trồng rừng trên địa bàn ”.

“Trước mắt, các nhà máy, xí nghiệp gỗ trên địa bàn cần tập trung, ưu tiên thu mua các sản phẩm gỗ từ các đơn vị, chủ rừng bị thiệt hại do thiên tai, nghiêm cấm việc diễn ra tình trạng ép giá so với giá thị trường” - ông Hà Sỹ Đồng nói.

“Đối với các địa phương bị thiệt hại nặng nề về lâm nghiệp do bão cần lên kế hoạch rà soát các diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nặng do thiên tai nhằm khuyến cáo, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi sản xuất cây trồng phù hợp. Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo người dân tận thu các sản phẩm rừng bị ảnh hưởng do bão, cũng như tuyên truyền cho người dân không được lợi dụng tình hình chặt phá trộm cây rừng của các chủ rừng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật từ trên địa bàn…” – ông Đồng nhấn mạnh.

Được biết, trước ảnh hưởng do bão số 10 gây ra, tỉnh Quảng Trị đã có đề nghị các cơ quan Bộ ngành Trung ương hỗ trợ để khắc phục thiệt hại cơ sở hạ tầng, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân với các giải pháp trước mắt và lâu dài như: Đề nghị Chính phủ có chủ trương khoanh nợ vay của các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp, hộ dân đã bị thiệt hại do bão gây ra, nhất là các hộ trồng cây cao su, hồ tiêu, sắn, cà phê… đồng thời được phép vay mới để trồng lại diện tích đã mất do ảnh hưởng của bão.

Đề nghị Chính phủ tăng vốn bố trí hàng năm cho các chương trình đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Chương trình nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam để thực hiện mục tiêu quốc gia ứng phó với mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu; Chương trình an toàn hồ chứa; Bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp hệ thống tiêu úng, các cống tiêu, ngăn mặn, giữ ngọt tại các xã ven biển. Đề nghị trang cấp bổ sung các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn.

Tiến Nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Khó khăn trong công tác khắc phục thiệt hại về rừng do thiên tai gây ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO