UBND tỉnh Quảng Trị vừa có buổi làm việc với các Sở, ngành liên quan để bàn về giải pháp, định hướng phát triển diện tích tôm nuôi trên địa bàn. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển ngành thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng phải hướng đến mô hình nuôi bền vững, ứng dụng công nghệ cao.
Tính đến cuối năm 2018, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Quảng Trị đạt 3.343,5 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 933 ha. Sản lượng nuôi tôm đạt 4.532 tấn, giá trị ước đạt 679,8 tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản năm 2018 của tỉnh. Nuôi tôm trở thành thế mạnh và là một trong 2 con nuôi chủ lực tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Tuy nhiên, để thực hiện nuôi tôm một cách có hiệu quả và mang tính bền vững thì cần phải từng bước đổi mới theo hướng tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn; nuôi tôm 2 giai đoạn theo công nghệ Biofloc; nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm theo hình thức thâm canh, sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP; nuôi tôm trong nhà lưới, nhà kính... Bên cạnh đó, cần ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm để nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Thực trạng cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa chủ động sản xuất và cung cấp đủ nguồn giống cho bà con nuôi tôm, việc kiểm soát chất lượng con giống từ bên ngoài đưa vào nuôi chưa được chặt chẽ. Trong khi đó, nhu cầu giống hàng năm cần có tôm sú khoảng 100 triệu con Post 15/năm; tôm thẻ chân trắng khoảng 1,5 tỷ con Post 12/2 vụ nuôi/năm. Tuy nhiên, Trại sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ Cửa Tùng mới tổ chức sản xuất, cung ứng khoảng 5 triệu con tôm sú Post 15/năm (đáp ứng khoảng 5% nhu cầu), 95% số giống còn lại đối với tôm sú và toàn bộ tôm giống thẻ chân trắng được nhập từ các tỉnh phía Nam như Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận... Đây là khó khăn chưa được khắc phục trong chủ động nguồn tôm giống cho sản xuất.
Bên cạnh đó, việc xử lý môi trường nước cho nuôi tôm chưa được bà con chú trọng; việc kiểm soát dịch bệnh trên con tôm còn gặp nhiều khó khăn; dịch bệnh có thể phát tán từ ao nuôi này sang ao nuôi khác, từ vùng này qua vùng khác gây thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi tôm. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm đang gặp nhiều hạn chế như việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn yếu, quy trình công nghệ, ứng dụng thực tiễn sản xuất, phương thức nuôi tôm đang còn nhỏ lẻ manh mún, đặc biệt là nguồn lực kinh tế của các hộ nuôi tôm đang còn hạn chế.
Quảng Trị phấn đấu năm 2019 tổng sản lượng thủy sản 32.700 tấn; ổn định diện tích nuôi tôm toàn tỉnh 933 ha, sản lượng 5.000 tấn, giá trị 750 tỷ đồng. Duy trì nuôi tôm sú, ổn định với diện tích 450 ha; Chuyển đổi cơ cấu nuôi ở các vùng nuôi chuyên tôm thường xuyên bị dịch bệnh tại một số vùng nuôi tôm có điều kiện cơ sở hạ tầng không đảm bảo nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh và thâm canh.
Phấn đấu tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 đạt 1.500 ha; Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ đến năm 2020 đạt 6.800 tấn. Giá trị sản xuất tôm ước đạt 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn sau 2020 - 2025: Sẽ hình thành một số vùng sản xuất tôm công nghệ cao; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ; Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đến năm 2025 ổn định đạt 1.500 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ đến năm 2025 đạt 8.800 tấn. Giá trị sản xuất tôm đến năm 2025 ước đạt 1.500 tỷ đồng…
Để đạt được mục tiêu này, Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng: Giải pháp căn cơ là cần phải nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm sản xuất giống thủy sản thông qua việc đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nhằm chủ động về cung ứng nguồn giống và kiểm soát tốt dịch bệnh. Thu hút một số doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn gắn với phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ ở các vùng nuôi tôm truyền thống. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng các vùng nuôi tôm trọng điểm. Nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích canh tác lúa, hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi tôm.
“Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm và đầu tư nhiều hơn việc đào tạo nghề nuôi tôm cho lao động cũng như nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực này…” - ông Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh.