Đền bù đến đâu bàn giao mặt bằng đến đó
Báo cáo của Ban Quản lý các công trình dự án điện miền Trung về tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án: Đường dây 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có chiều dài khoảng 82,8 km, gồm 197 vị trí móng trụ điện đi qua 7 huyện, thành phố, hiện còn 39/197 vị trí móng, 152/197 cột hành lang tuyến chưa bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu là do một số vướng mắc trong xác nhận nguồn gốc đất, đất có tranh chấp, người dân không hợp tác kiểm kê hoặc không nhận tiền bồi thường theo quyết định phê duyệt với lý do đơn giá thấp...
Đối với dự án Trạm Biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà – Lao bảo được xây dựng nhằm truyền tải hết công suất tại các nhà máy điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị lên hệ thống điện quốc gia. Đảm bảo cung cấp điện an toàn và tin cậy cho phụ tải các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ. Dự án đã được khởi công vào ngày 30/12/2019, tiến độ hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, đến nay 120/120 vị trí phần móng chưa được phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng. Phần hành lang tuyến với khoảng 120 cột cũng chưa được kiểm kê.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu phải hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện trong tháng 5/2020 |
Trên cơ sở ý kiến trao đổi cũng như kiến nghị của chủ đầu tư về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với 2 dự án được các địa phương, đơn vị đưa ra tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng: Thời gian qua các địa phương, ngành chức năng vào cuộc chưa đủ mạnh, chưa đủ quyết liệt trong công tác chỉ đạo, dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đạt mục tiêu cũng như tiến độ đề ra.
Từ đó, UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư cần phối hợp với các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, quy chủ đất trên cơ sở thẩm quyền, nếu cần thì có các giải pháp cưỡng chế theo đúng quy định. Đối với đơn giá đền bù đều đã có quy định, nếu có nội dung vượt quá thẩm quyền thì cần có văn bản báo cáo UBND tỉnh để đề xuất giải pháp tháo gỡ, trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người dân.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án trên trong tháng 5/2020 với phương châm đền bù đến đâu bàn giao mặt bằng đến đó để chủ đầu tư thi công theo đúng tiến độ.
Gỡ khó cho các dự án Khu đô thị
Đối với Dự án Khu đô thị thương mại-dịch vụ Nam Đông Hà, địa phương này cho rằng vướng mắc hiện nay là các hợp phần của dự án tại khu vực 1 có diện tích 9,17ha đã được quy hoạch công viên cây xanh của thành phố Đông Hà; trong dự án có 2,84ha thuộc khu vực 2 đã xây dựng Bến xe phía Nam thành phố Đông Hà, đến nay còn nợ tiền quyết toán và quy hoạch đất thương mại.
Đối với các dự án khu đô thị phía đông thành phố Đông Hà là dự án Khu đô thị phía Đông và Khu đô thị Thuận Châu hiện có hơn 72 ha đất trồng lúa cần phải trình Chính phủ chuyển mục đích sử dụng đất lúa và vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất...
Trước thực tế đó, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị: Dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ Nam Đông Hà, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh có các báo cáo giải trình cụ thể việc sử dụng quỹ đất dựa trên hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, cũng như tiềm năng sẵn có của địa phương; giao Sở Giao thông - Vận tải và Sở Tài chính phối hợp để bàn giao tài sản và đề nghị chuyển mục đích sử dụng đối với Bến xe khách phía Nam theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình triển khai các dự án Khu đô thị Đông Hà |
Đối với các dự án Khu đô thị phía Đông thành phố Đông Hà, UBND tỉnh giao địa phương khẩn trương bổ sung kế hoạch rà soát, quy hoạch sử dụng đất; giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầy đủ thủ tục đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất lúa để UBND tỉnh có văn bản trình Chính phủ và các bộ ngành có liên quan theo đúng quy định.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng thông tin: Sắp tới, tỉnh sẽ có cuộc họp phiên toàn thể UBND tỉnh để rà soát lại 5 tháng đầu năm đối phó với dịch Covid-19 vừa qua đã khiến tình hình thu ngân sách, kêu gọi xúc tiến đầu tư, cũng như tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ nhà đầu tư trở nên trầm lắng, nhiều hoạt động chưa thể thực hiện…
“Hiện tình hình dịch đã giảm so với trước, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương cần bám sát chương trình hành động của UBND tỉnh, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, triển khai nghiêm các nội dung cam kết của người đứng đầu, các thông báo kết luận của UBND tỉnh, triển khai kịp thời các giải pháp cấp bách để phòng chống Covid-19 trong tình hình mới cũng như khôi phục lại các hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ trong những tháng vừa qua…” - ông Hà Sỹ Đồng nói.