Có thể nói, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Quảng Ninh cơ bản đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung theo chỉ đạo và đạt một số kết quả tích cực, công tác môi trường toàn tỉnh dần được kiểm soát, nhận thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên. Cụ thể, tỉnh đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đã tập trung xử lý triệt để, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp, đồng thời yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; buộc các đơn vị có quy mô xả lớn lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật về truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trên địa bàn tỉnh không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh; có 5/5 KCN (KCN Cái Lân, KCN Hải Yên, KCN Đông Mai, KCN Việt Hưng, KCN Hải Hà - giai đoạn 1) hoạt động và đã đầu tư hệ thông xử lý nước thải tập trung. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc dừng tiếp nhận rác tại 3 bãi rác: Đèo Sen, Hà Khẩu, Quang Hanh, đồng thời thực hiện cải tạo phục hôi môi trường các bãi rác trên đảm vệ sinh theo đúng quy định.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có hoạt động sản xuất kinh doanh than trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý kịp thời không để xảy ra hiện tượng khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than trái phép. Riêng ở tất cả các kho chế biến, khu vực sàng tuyển than đều được xây tường bao kiên cố, có hệ thống phun sương dập bụi, bê tông hóa toàn bộ nền kho, dùng bạt che phủ đảm bảo không thất thoát than khi có mưa to, trồng cây xanh cải tạo phục hồi môi trường để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của các hoạt động khai thác mỏ tới môi trường.
Hiện nay, Tổng Công ty Đông Bắc đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khu vực xây dựng tuyến băng tải than tại xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều); cầu vượt quốc lộ 18 tại Cảng Km6 và Cảng Khe Dây (TP Cẩm Phả). Tập đoàn TKV đã hoàn thành đầu tư tất cả các tuyến băng tải vận chuyển ra cảng theo cam kết với tỉnh. Đồng thời đã hoàn thành xây dựng hệ thống cấp nước chống bụi khu vực bãi thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim và bãi thải Đông Cao Sơn.
Ngoài ra, ngành than đang tích cực hoàn thiện Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than giai đoạn 2016 - 2020, đẩy nhanh tiến độ cải tạo phục hồi môi trường các khu vực đã kết thúc khai thác, đổ thải...
Nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các địa phương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án trong quá trình thi công xây dựng cũng như đi vào hoạt động. Đặc biệt, tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh kiểm tra Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra đã hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục hồ sơ sau thẩm định còn thiếu như lập kế hoạch quản lý môi trường; kế hoạch chạy vận hành thử nghiệm công trình xử lý môi trường; hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc đã hoàn thành các công trình xử lý môi trường; hồ sơ đề nghị kiểm tra xác nhận việc đã hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Về cơ bản các doanh nghiệp đã có ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hoàn thiện thủ tục hồ sơ còn thiếu đối với dự án đã đi vào hoạt động chính thức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại, vướng mắc như: Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được thường xuyên. Nhiều khu vực còn xảy ra hiện tượng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong dư luận, cử tri và người dân; Một số doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chưa tuân thủ nghiêm túc quy định trong Luật bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản và các quy định có liên quan; Việc huy động xã hội hóa đầu tư cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tuy có tiến bộ song còn nhiều hạn chế, nhất là công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận, chia sẻ khó khăn...
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đổi mới đến các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, qua đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường; lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; phối hợp giữa các địa phương trong quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, bố trí, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đúng mục đích; đa dạng hóa các nguồn đầu tư; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường...
Cùng với đó, Tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu, xây dựng, ban hành qui định về việc đốt, khởi động lò của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng đế hạn chế những tác động xấu đến môi trường và cảnh quan đô thị; ban hành quy định về ngưỡng chất thải nguy hại mới, đồng thời nghiên cứu, ban hành quy định và hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với khu vực nông thôn.