Quảng Ninh: Tăng cường bảo vệ, quản lý nguồn nước ngầm

08/06/2016 00:00

Nước dưới đất là một hợp phần quan trọng của tài nguyên nước, là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại Quảng Ninh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước dưới đất chưa phù hợp, chưa đúng quy trình đã làm hạ thấp mực nước ngầm, giảm trữ lượng, chất lượng nước ngầm.

Hiện tổng lượng nước ngầm khai thác trên địa bàn tỉnh là 78,59 triệu m3/năm. Nguồn nước ngầm được khai thác cung cấp cho khu vực đô thị tập trung chủ yếu ở TP Hạ Long với 578 giếng khoan, 5.476 giếng đào nằm phân bố trong khu dân cư với tổng lưu lượng khai thác trung bình khoảng 3.894 m3/ngày đêm, khu vực Cẩm Phả có 6 giếng công suất 270m3/h, khu vực TX Đông Triều sử dụng hệ thống khai thác nước ngầm với công suất thiết kế giai đoạn I 2.000m3/ngày đêm của 4 giếng khoan thuộc xã Tân Việt. Đối với khu vực nông thôn thì tỷ lệ sử dụng nước giếng đào, giếng khoan chiếm khoảng 70% dân số nông thôn.

Tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 21.021 giếng khoan, chủ yếu do các hộ tự đầu tư kinh phí xây dựng, trong đó có 16.344 giếng có chất lượng tốt, chiếm 77,75% tổng số giếng. Tổng số giếng đào là 74.513 giếng, trong đó số giếng có chất lượng tốt là 57.546 giếng, số còn lại đa số thuộc loại trung bình do chất lượng xây dựng chưa đảm bảo dẫn tới chất lượng nước không tốt hoặc thiếu nước vào mùa khô.

Vận hành Trạm cấp nước Nam Hòa, TX. Quảng Yên
Vận hành Trạm cấp nước Nam Hòa, TX. Quảng Yên

Nhu cầu khai thác và sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, nhằm phục vụ sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế-xã hội. Tính đến hết năm 2015, đã có 132 giấy phép khai thác nước dưới đất được cấp với tổng lưu lượng cấp phép lớn nhất là 47.845m3/ngày đêm và hiện tại có 5 đơn vị đã được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Có thể thấy, hầu hết các giấy phép trên đều cấp cho đơn vị có nhu cầu sử dụng lượng nước lớn. Như vậy, người hành nghề khoan giếng trên địa bàn tỉnh đều làm tự phát, chưa được cấp giấy phép hoạt động. Trong khi các địa phương tuy biết số lượng người hành nghề khoan giếng, nhưng việc quản lý cũng như phổ biến pháp luật để họ ý thức hơn trong bảo vệ tài nguyên nước chưa được quan tâm.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường ngay tại khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, nơi trữ lượng nước ngầm được đánh giá là dồi dào nhất, công suất khai thác cũng đã giảm dần trong những năm qua. Tổng công suất khai thác nước ngầm tại khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, chỉ đạt 7.000-10.000m3/ngày đêm. Nhiều giếng khoan đang bị nhiễm mặn nặng nề do tốc độ khai thác quá nhanh trên cùng một địa tầng như khu vực phường Cẩm Đông, Cẩm Tây (TP Cẩm Phả), xã Hiệp Hoà (TX Quảng Yên). Mặt khác, quá trình đô thị hoá cũng kèm theo việc bê tông hoá bề mặt, làm thu hẹp diện tích bổ sung nước từ nguồn nước mưa, nước mặt cho nước dưới đất (đây là nguồn nước quan trọng trong chu trình tái tạo nguồn nước ngầm bị khai thác).

Sự phát triển mạnh mẽ của nhiều công trình cao tầng với các lỗ khoan sâu cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự gia tăng ô nhiễm và suy giảm chất lượng và nguồn nước ngầm. Mặt khác, nước thải từ quá trình khai thác khoáng sản chứa hàm lượng kim loại nặng cao và các chất độc hại cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng nước. Hằng năm các mỏ than trên địa bàn tỉnh thải hơn 100 triệu m3 nước, trong đó lượng nước thải chưa được xử lý vào khoảng 15-17 triệu m3/năm. Nếu nguồn nước này không được xử lý, chảy và tích tụ ở môi trường xung quanh sẽ ảnh hưởng đến đất canh tác, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, đặc biệt là ô nhiễm từ kim loại nặng. Kim loại nặng tích luỹ theo chuỗi thức ăn thâm nhập và cơ thể người. Nước mặt bị ô nhiễm sẽ lan truyền các chất ô nhiễm vào nước ngầm, vào đất và các thành phần môi trường liên quan khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Theo Báo Quảng Ninh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Tăng cường bảo vệ, quản lý nguồn nước ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO