Quảng Ninh: Sớm có giải pháp chấm dứt xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp

Phạm Hoạch| 09/10/2019 10:16

(TN&MT) – Những năm gần đây tốc độ đô thị hóa tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh diễn ra nhanh, cùng với đó lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm lên tới hàng chục triệu lượt khách. Cùng với đó, các nhà máy, trung tâm xử lý rác thải sinh hoạt chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong khi khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng năm rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải trong việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Anh 1
Bãi chôn lấp rác tại phường Mạo Khê, TX.Đông Triều được xử lý một cách tạm bợ, không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Để giải quyết bài toán trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, gồm: Khu xử lý chất thải rắn Khe Giang, xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí; Nhà máy xử lý rác thải xã Tràng Lương, TX.Đông Triều; Trung tâm xử lý chất thải rắn tại xã Vũ Oai, Hòa Bình, huyện Hoành Bồ; Khu xử lý chất thải rắn tại xã Quảng Nghĩa, TP.Móng Cái; Khu xử lý chất thải rắn xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên.

Tuy nhiên, hiện nay, 2/6 khu xử lý và nhà máy nói trên vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, chưa đưa vào sử dụng gồm: Nhà máy xử lý rác thải xã Tràng Lương, TX.Đông Triều và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên.

A 2
Xe đẩy thu gom rác thải sinh hoạt tại xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.

Vì vậy, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại nhiều địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vẫn còn tồn tại nhiều bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại một số địa phương mang tính tạm bợ, chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, nên chưa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Điển hình như tại bãi chôn lấp chất thải rắn tại phường Mạo Khê, TX.Đông Triều, mỗi ngày bãi chôn lấp tiếp nhận khoảng 100 tấn rác. Với lượng rác hàng ngày đổ về lớn như vậy, nhưng rác tại đây vẫn chỉ được xử lý một cách tạm bợ không đảm bảo về môi trường. Để “mục sở thị” bãi rác tại phường Mạo Khê, PV Báo TN&MT đã đến bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt này, cả núi rác cao hàng chục mét, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi, nhặng bâu kín trên bề mặt. Tại đây rác được xử lý qua loa, phun thuốc rồi chôn lấp một cách sơ sài, gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Không chỉ riêng bãi chôn lấp Mạo Khê, vẫn còn nhiều bãi rác chôn lấp theo cách thủ công đã và đang tồn tại nhiều năm qua tại một số địa phương, đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Trong đó, như: Bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Dực Yên, huyện Đầm Hà với diện tích 4,5ha, mỗi ngày tiếp nhận 7 tấn rác thải. Dù hoạt động nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn hoạt động theo kiểu tạm bợ, chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác, nên gây ảnh hưởng tới môi trường. Hay như bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên có diện tích 2,5ha. Tại đây rác được xử lý thủ công, không hề có một hạng mục kỹ thuật, nên không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Qua tìm hiểu, nhận thấy, các bãi chôn lấp rác được hình thành và hoạt động từ nhiều năm qua tại các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nên hoạt động mang tính tạm thời. Vì vậy, các bãi chôn lấp này không đáp ứng được các quy định về vệ sinh môi trường, không có thủ tục pháp lý về môi trường, xác nhận đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, nhất là chưa đầu tư hệ thống thu gom, nước rỉ rác. Điều này đã và đang tạo ra một nghịch lý là bãi chôn lấp, xử lý rác nhưng lại gây ô nhiễm môi trường về không khí, nguồn nước làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân địa phương.

Để phần nào giảm tải cho các bãi chôn lấp rác thải, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn, tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn theo mô hình tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải (3R) ở các thôn, bản, xã tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Trong đó, tăng cường ứng dụng chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt tại các vùng nông thôn, miền núi với công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng để áp dụng đạt hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại nhằm xử lý rác thải sinh hoạt tại các vùng nông thôn.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Sớm có giải pháp chấm dứt xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO