Quảng Ninh: Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

22/08/2018 11:11

(TN&MT) - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến thiên tai xảy ra nhiều gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Quảng Ninh là một trong những tỉnh ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về BĐKH và có nguy cơ bị ảnh hưởng cao do nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, việc ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm chú trọng.

anh 1 (1)
Tuyến đê xã Tiến Tới, huyện Hải Hà mới được nâng cấp

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp về thời tiết do BĐKH gây ra, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; làm tốt công tác nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Đặc biệt, đưa công tác ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường vào nội dung sinh hoạt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội; chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường.

anh 2 (1)
Hệ thống cống tiêu thoát lũ trên tuyến đê xã Tiến Tới, xã Hải Hà được xây mới

Công tác tuyên truyền với vai trò chủ lực thuộc các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan truyền thông, các mạng xã hội do thế mạnh của việc thông tin chuyển tải nhanh chóng đến các nhóm công chúng trên nền tảng tiến bộ của công nghệ thông tin, truyền thông. Một hình thức tuyên truyền quan trọng là lồng ghép tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hệ thống giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học. Ngoài ra, còn có hình thức tuyên truyền miệng, tổ chức các diễn đàn, sự kiện, hội thảo, triển lãm, tọa đàm, câu lạc bộ, tuyên truyền qua hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên đối với từng vùng, miền, nhất là vùng ven biển, hải đảo…

anh 3
Những cánh rừng ngập mặn góp phần quan trọng bảo vệ hệ thống đê Hà Nam, TX Quảng Yên

Thông qua công tác truyền thông, nhận thức của nhân dân, của các ngành, các cấp về ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường đã được nâng lên rõ rệt. Năm 2010, từ chỗ tỷ lệ người dân có hiểu biết, có kiến thức ứng phó, thích ứng với BĐKH chỉ chiếm khoảng 1,5% dân số của tỉnh, đến nay, tỷ lệ này đã được nâng lên thành 46%. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn 2020; Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long và quy hoạch của các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh...

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng từng bước xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, lồng ghép trong các cơ chế chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài cho các hoạt động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng của trên địa bàn tỉnh. Đã có nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ về thuế, đất đai, tín dụng, trợ giá cho các dự án công nghệ sạch, phát thải ít các-bon, cũng được quan tâm thực hiện. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh việc nghiên cứu, hình thành và áp dụng các cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ cho các dự án năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, theo hướng thân thiện với môi trường.

anh 4
Trạm quan trắc nước thải tự động tại cửa lò + 125, Công ty than Nam Mẫu mới được lắp đặt góp phần bảo vệ môi trường

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh, mà trực tiếp là Sở TN&MT luôn quan tâm, xây dựng cơ sở dữ liệu đặc biệt phục vụ cho cảnh báo và phòng chống thiên tai với nhiều phương án đa dạng, linh hoạt phù hợp với thực tế, như: Phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; phương án bảo vệ 5 vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh; xây dựng bản đồ nước biển dâng do bão với 5 kịch bản mô phỏng (4 kịch bản tương ứng với 4 cấp bão 13, 14, 15, 16 tổ hợp với triều cường và 1 kịch bản ứng với cấp bão 13 tổ hợp với triều cường trung bình) và xây dựng bản đồ lũ quét, sạt lở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, giai đoạn 2015-2020.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã được đầu tư 39 trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Ngoài ra, nhiều đơn vị ngành Than và công ty thủy lợi cũng đầu tư xây dựng các trạm quan trắc tự nhiên về khí thải và nước thải để phục vụ cho cảnh báo, cũng như đảm bảo việc sản xuất của các cơ sở. Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác kiểm tra, khảo sát, xác định các khu vực trọng điểm để có phương án phòng chống khi có bão, lũ xảy ra như: Hệ thống kho, bãi thải xít, doanh trại, trụ sở làm việc, các hồ, đập, đê, kè trọng yếu, các khu neo đậu tàu thuyền và những khu vực hay xảy ra lốc xoáy, lũ lụt, sạt lở đất tập trung ở một số địa phương là Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Bình Liêu, Ba Chẽ...

Một trong những hiện tượng BĐKH rõ nét nhất là hiện tượng nước biển dâng cao. Mực nước biển dâng cao đe dọa thu hẹp diện tích đất, nhiều thành phố, làng mạc có thể biến mất trên bản đồ. Vì vậy, trong giai đoạn 2013 - 2017, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đầu tư nhiều dự án củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển là những “bức tường xanh”, bảo đảm chống chịu được với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn...

Cụ thể như, Dự án nâng cấp tổng thể đê Hà Nam, ở TX Quảng Yên, đến nay đã bê-tông hóa tường chắn sóng được 22,5/33,67km. Hiện các đơn vị thi công đang tiếp tục thực hiện đoạn từ K25-HC27 và xây mới cống Phong Cốc. Đối với Dự án nâng cấp hệ thống đê Quan Lạn, đã thực hiện hơn 7.500 m, xây dựng mới 10 cống dưới đê với kinh phí trên 320 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc nâng cấp, xây mới tuyến đê sông Hồng Phong (TX Đông Triều); hoàn thành Dự án cải tạo, gia cố 2 đoạn đê xung yếu thuộc tuyến đê Lò Vôi, xã Đường Hoa (huyện Hải Hà). Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng đã phê duyệt 6 dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có 5 dự án đang được triển khai thực hiện với tổng kinh phí gần 411 tỷ đồng...

Xác định ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh từ BĐKH, vì vậy, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở NN&PTNN và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững; thay đổi phương thức canh tác, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như: Áp dụng các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp; xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng hầm biogas nhằm giảm phát thải khí methane; xử lý môi trường chăn nuôi bằng men sinh học; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi...

Nhằm chủ động phòng tránh và ứng phó với nguy cơ sạt lở, ngập lụt, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hưóng đến năm 2025. Đồng thời, triển khai rà soát các khu vực thường xuyên ngập lụt để đề xuất, thực hiện các dự án khắc phục tình trạng ngập lụt cục bộ tại các tuyến đường giao thông và khu vực dân cư bằng việc đầu tư xây dựng các hồ điều hòa, hệ thống mương, cống thoát nước...

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng “thích nghi”, “thích ứng” với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung tuyên truyền nhiều về các mô hình tốt, cách làm hay về chủ động thích ứng với BĐKH, về các phương án, cách thức thay đổi tập quán sản xuất - kinh doanh, tổ chức đời sống dân cư để thích nghi với điều kiện BĐKH, theo hướng như: thiết kế, xây dựng nhà ở, công trình dân sinh có khả năng chống chịu thiên tai; quy hoạch sản xuất cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO