Quảng Ninh: Lộ trình sắp xếp, đổi mới các Công ty lâm nghiệp thêm một lần “lỡ hẹn”?

Phạm Hoạch| 31/10/2019 15:42

(TN&MT) - (TN&MT) – Sau nhiều năm triển khai việc sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty lâm nghiệp theo tinh thần Nghị định số 118 của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang gặp không ít khó khăn, bất cập cần có giải pháp tháo gỡ, lộ trình hoàn thành trong năm 2019 xem ra lại thêm một lần “lỡ hẹn”...

Để triển khai thực hiện Nghị định 118 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các Công ty lâm nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và trình Chính phủ xem xét. Đến giữa năm 2015, phương án sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Cụ thể, Thủ tướng đã phê duyệt mô hình công ty CP (Nhà nước không nắm giữ CP chi phối) đối với 5 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp gồm: Cẩm Phả, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí và Hoành Bồ; mô hình công ty CP (Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ) đối với 2 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn và Bình Liêu; duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ, sản xuất, và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều...

Những cánh rừng keo của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ quản lý tạo việc làm và thu nhập cho công nhân và người lao động

Sau một thời gian triển khai, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt được 8 đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 8 công ty lâm nghiệp; cấp ngân sách cho cơ quan chức năng đo đạc toàn bộ diện tích của 8 công ty lâm nghiệp đã được phê duyệt đề án, phê duyệt được phương án sử dụng đất của 7/8 công ty lâm nghiệp (trừ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều); 7 công ty lâm nghiệp đã cơ bản hoàn thiện báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập do các Công ty lâm nghiệp đều rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, thiếu vốn đầu tư, dẫn đến nguy cơ phải khai thác rừng non hoặc khai thác tài nguyên dưới đất để duy trì sản xuất. Điều này tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và phát triển kém bền vững. Vì vậy, nếu tiến hành cổ phần hóa theo hướng vẫn giữ nguyên hoạt động độc lập của từng công ty dễ dẫn đến tình trạng hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, không có khả năng thu hút được các nhà đầu tư lớn với năng lực và công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý và sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trong khi, Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty lâm nghiệp và lựa chọn được thành viên thứ hai có đủ năng lực tài chính, công nghệ, nghiệp vụ nhằm gia tăng giá trị trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ khai thác rừng theo hướng bền vững. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất với Chính phủ cho phép thực hiện sắp xếp, đổi mới các Công ty lâm nghiệp theo mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên và lộ trình triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020. Theo phương án của Quảng Ninh đề xuất thì sẽ có 5 Công ty lâm nghiệp gồm: Cẩm Phả, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí, Hoành Bồ thực hiện theo mô hình công ty TNHH 2 thành viên, hoàn thành trong năm 2018; 3 công ty lâm nghiệp còn lại là Đông Triều, Vân Đồn, Bình Liêu, trước mắt giữ nguyên hình thức công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo mô hình doanh nghiệp tự chủ trong sản xuất, kinh doanh.

Trạm bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Liêu đảm bảo giữ màu xanh của rừng tạo việc làm cho người lao động

Tuy nhiên, đến nay, lộ trình hoàn thành sắp xếp 5 công ty theo mô hình công ty  TNHH 2 thành viên trong năm 2018 đã đành “lỡ hẹn” và Quảng Ninh tiếp tục xin Trung ương điều chỉnh tiến độ hoàn thành trong năm 2019, nhưng xem ra mục tiêu này khó có thể hoàn thành. Bởi lẽ, đến thời điểm này, Quảng Ninh vẫn chưa giải quyết được những khó khăn, vướng mắc mà các Công ty lâm nghiệp vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải trong nhiều năm qua.

Việc đổi mới, sắp xếp các Công ty lâm nghiệp theo mô hình công ty TNHH 2 thành viên là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Tuy nhiên, Quảng Ninh đặt ra lộ trình là vậy, nhưng  đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết được các vấn đề khó khăn tồn tại từ nhiều năm qua của các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Đó là, chưa giải quyết, tháo gỡ được khó khăn đối với nợ đọng nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước của các Công ty lâm nghiệp liên quan đến việc miễn tiền thuê đất; chưa chọn được thành viên thứ 2 trở lên để xây dựng đề án theo mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên; các khoản nợ, lãi, phương án sắp xếp nhà đất của một số công ty vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí, đến nay, một số công ty lâm nghiệp vẫn chưa xác định được tài chính, kết quả sản xuất, kinh doanh, số lao động trước và sau khi thực hiện sắp xếp.

Rừng keo do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Cẩm Phả trồng, chăm sóc, bảo  vệ 

Thiết nghĩ, lộ trình sắp xếp, đổi mới các Công ty lâm nghiệp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động mà tỉnh Quảng Ninh đang triển khai là cần thiết theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị định 118 của Chính phủ. Tuy nhiên, Quảng Ninh cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong thời gian qua của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Có như vậy, lộ trình sắp xếp, đổi mới các Công ty lâm nghiệp mới hoàn thành và đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra để từng bước phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Lộ trình sắp xếp, đổi mới các Công ty lâm nghiệp thêm một lần “lỡ hẹn”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO