Hai nhà máy nói trên là Nhà máy xi măng Thăng Long(Công ty CP Xi măng Thăng Long) đang hoạt động với 1 dây chuyền công suất 2,3 triệu tấn/năm và Nhà máy xi măng Hạ Long (Công ty CP Xi măng Hạ Long) hoạt động với 1 dây chuyền công suất 2 triệu tấn/năm. Cả hai nhà máy đều nằm trên địa bàn huyện Hoành Bồ và sát ngay Vịnh Hạ Long.
Báo cáo của Sở TN&MT cho biết, đến nay, các nhà máy xi măng đã có đủ các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định; đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống công nghệ tiên tiến xử lý khí thải, khói, bụi, hệ thống quan trắc tự động khí thải ống khói, dữ liệu quan trắc được truyền tự động liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động hai nhà máy xi măng thuộc 2 Công ty nói trên vẫn để xảy ra một số sự cố dẫn đến phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở một số xã, phường thuộc huyện Hoành Bồ và TP. Hạ Long.
Hơn nữa, qua kết quả rà soát, báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, mặc dù 2 nhà máy xi măng Thăng Long và Hạ Long đã được đầu tư đi vào hoạt động ổn định nhiều năm, trong quá trình hoạt động sản xuất có những tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường, hạ tầng giao thông và đời sống nhân dân, gây tác động xấu đến môi trường.
Đặc biệt, từ khi đi vào hoạt động 2 nhà máy xi măng Thăng Long và Hạ Long đã nhiều lần bị UBND tỉnh Quảng Ninh xử phạt về những vi phạm liên quan đến môi trường với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Hơn nữa, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có ý kiến tại Kết luận thanh tra số 231/KL-TTr ngày 3/6/2019, đối với dự án giai đoạn 2 của 2 nhà máy Xi măng Thăng Long II và Xi măng Hạ Long II. Cụ thể, việc đề xuất đưa 2 dự án Nhà máy xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy xi măng Hạ Long 2, huyện Hoành Bồ ra khỏi Quy hoạch, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh làm việc cụ thể với cơ sở nằm trong quy hoạch để thống nhất phương án giải quyết. Trên cơ sở đó đề xuất Bộ Xây dựng xem xét khi xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm việt liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mặt khác, tại Báo cáo số 1870/SXD-KT&VLXD ngày 29/5/2019 của Sở Xây dựng Quảng Ninh, không gian thành phố Hạ Long sẽ được phát triển mở rộng về phía Tây và phía Bắc thành phố về phía huyện Hoành Bồ. Để phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, bảo vệ môi trường cho khu vực di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện chủ trương di dời các dự án sản xuất công nghiệp nặng ra khỏi khu vực phát triển đô thị. Do đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành tạm dừng triển khai Giai đoạn II của Nhà máy Xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy Xi măng Hạ Long 2 để chuyển địa điểm đến phía Bắc TP. Hạ Long. Lộ trình đến năm 2030, sẽ dừng hoạt động Giai đoạn I, di chuyển toàn bộ đến phía Bắc đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái.
Để xây dựng, phát triển TP. Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đó là yêu cầu các Nhà máy xi măng phải có các giải pháp bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nhà máy và vùng lân cận, đảm bảo môi trường cảnh quan và đời sống của người dân.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động của các Nhà máy xi măng trên địa bàn. Đồng thời, duy trì hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục, thực hiện truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm.