Quảng Ninh: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

06/07/2016 00:00

(TN&MT) - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thuỷ văn Quảng Ninh, trong các ngày tới thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó công tác chủ động phòng...

 

(TN&MT) - Trong 5 ngày liên tiếp (từ 1 - 5/7), tỉnh Quảng Ninh đã phải hứng chịu nhiều cơn mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường, nhiều khu dân cư tại Hạ Long, Cẩm Phả, Hải Hà, Móng Cái… bị ngập lụt nặng nề. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thuỷ văn Quảng Ninh, trong các ngày tới thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó công tác chủ động phòng chống cần được địa phương và người dân đặt lên hàng đầu.

lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo khắc phục sạt lở do mưa lũ
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo khắc phục sạt lở do mưa lũ

 

Thiệt hại nặng nề

Theo Trung tâm DBKTTVTW, lượng mưa đo được tại Bãi Cháy tính đến 13h00 trưa 5/7 đã lên tới 120,8mm. Tại nhiều khu dân cư thuộc các phường Hà Phong, Cao Thắng, Bãi Cháy có nơi nước ngập cao gần 1m.

Các vị trí dự án san gạt mặt bằng tại khu vực phía đồi Ngân hàng, đồi Thành Đội, nước cuốn trôi nhiều đất đá tràn xuống lòng đường. Tại các tuyến đường giao thông như đoạn qua phường Hồng Hải, phường Bạch Đằng và đường vào KCN Cái Lân nước ngập sâu, nhiều phương tiện giao thông chết máy giữa đường. Đặc biệt tại nhiều khu vực Bãi Cháy đều trong tình trạng ngập lụt nặng, giao thông ách tắc nhiều giờ. Ngay như đường Hậu Cần cũng ùn ứ giao thông và ách tắc nặng nền do các phương tiện tìm cách tránh đoạn đường ngập lụt. Măc dù các lực lượng chức năng đã có mặt để hỗ trợ người dân song tình hình giao thông trong chiều và tối 5/7 tại Bãi Cháy vẫn vô cùng phức tạp và có chỗ gần như tê liệt.

Tại huyện Hải Hà và TP Móng Cái mưa lớn đã gây ngập cục bộ ở một số nơi trên địa bàn. Tại Hải Hà, lũ về trên các sông Hà Cối, Tài Chi và gây chia cắt một số thôn, bản của các xã Quảng Đức, Quảng Sơn... Mưa lớn cũng gây ngập lụt, vỡ một số ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản tại các xã Quảng Chính, Quảng Điền, Quảng Minh; ngập úng cục bộ hàng chục ha lúa cuối vụ, nhiều diện tích ao đầm và các tuyến đường ở các xã Quảng Chính, Quảng Điền, Quảng Phong, Quảng Minh.

Riêng Khu công nghiệp (KCN) Texhong Hải Hà (xã Quảng Điền) bị ngập lụt nặng do KCN đang triển khai xây dựng nên hệ thống thoát nước mặt chưa hoàn thiện, khẩu độ của các cống dọc trục đường dẫn vào KCN rất nhỏ, không đảm bảo tiêu thoát nước.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tính đến trưa ngày 6/7/2016, Quảng Ninh đã có 2 người chết do mưa lũ. Đó là ông Trần Văn Thanh, sinh năm 1964, trú tại tổ 8, khu 1 Phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, do sập nhà bếp; và bà Hoàng Thị Khà 56 tuổi; quê quán: Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Bị nước cuốn trôi xuống cống tiêu thuộc Khu 3 phường Giếng Đáy.

Về vật chất, huyện Tiên Yên đã bị sạt 22m mương nội đồng thôn Khe Cạn, xã Đông Hải. Thành phố Cẩm Phả đã bị ngập lụt một số vị trí đường giao thông (Km6 phường Quang Hanh) và ngập lụt một số hộ dân tại các phường Cẩm Thạch, Cẩm Phú, Cẩm Trung.

Thành phố Hạ Long bị sạt lở đất đá tại tổ 28 khu 3 phường Cao Xanh, tổ 4 khu 5 Phường Trần Hưng Đạo. Ngập úng cục bộ tại khu vực tổ 1 khu 7A, phường Hồng Hải; khu vực tổ 4 khu 1, phường Hà Phong. Tràn đất đá ảnh hưởng đến giao thông tại phường Hồng Hải; gần 100 hộ dân tại các tổ 29, 30 và 31 khu 3, phường Hà Trung (khu vực dự án FLC). Ngoài ra, đêm 5/7 trên địa bàn Thành phố có nhiều khu vực bị ngập úng cục bộ do không tiêu thoát nước kịp (Quốc lộ 18 đoạn qua các phường Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Phong...), phường Cao Thắng, Cao Xanh, Bãi Cháy.... Huyện Cô Tô: Sạt lở khoảng 20 - 30m3 đất mái taluy dương tuyến đường lên chùa Cô Tô.

Nhanh chóng khắc phục hậu quả

Ngay sáng ngày 5/7, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có mặt tại một số điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao tại TP Cẩm Phả để chỉ đạo kịp thời. Ông Hậu yêu cầu TP Cẩm Phả khẩn trương đầu tư hệ thống tiêu thoát nước khu vực hạ lưu và chỉ đạo các đơn vị thi công đường tại QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, nhanh chóng làm cống thoát nước đủ rộng để tiêu thoát nước kịp thời.

Riêng đối với khu vực đổ thải H10 Mông Dương (phường Mông Dương) và các bãi đổ thải của ngành than, ông Đặng Huy Hậu yêu cầu TP Cẩm Phả cần tiếp tục phối hợp với ngành than và các đơn vị trên địa bàn rà soát toàn bộ các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở bãi thải, bờ kè, tiến hành di dời ngay các hộ dân sinh sống trong khu vực sạt lở.

Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lụt lịch sử dịp cuối tháng 7/2015, ngay từ tháng 9-2015, TP Cẩm Phả đã tập trung ứng vốn cho 11 công trình cấp bách trong phòng chống lụt bão như: Kè chống sạt lở tổ 1, tổ 2, khu 4A, phường Cẩm Thành; tuyến kè đá chống sạt lở hai bên suối tổ 7, khu Hai Giếng, phường Cẩm Thuỷ; kè chống sạt lở khu vực núi đá tổ 1, khu Lê Lợi, phường Cẩm Tây… Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở cao như: Tuyến đường tránh Hạ Long - Quang Hanh, khu Km6 đèn tín hiệu, Bưu điện Quang Hanh, khu 5, khu 6, phường Quang Hanh; khu Tân Lập 1, Tân Lập 2, Tân Lập 6, phường Cẩm Thủy; khu Nam Tiến, Hòa Lạc phường Cẩm Bình... thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu; có phương án di dời, sơ tán tạm thời, kể cả di dời tái định cư.

Tại TP Hạ Long, các lực lượng chức năng đang nhanh chóng tổ chức xúc dọn, khơi thông dòng chảy, phối hợp với các đơn vị khẩn trương di dời người dân ở những khu vực có nguy cơ mất an toàn. Ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, đầu mùa mưa 2016 TP Hạ Long đã chủ động khơi thông hệ thống đứng đầu các phường, yêu cầu khi địa bàn có mưa, bão phải trực tiếp có mặt tại hiện cống rãnh trên toàn địa bàn thành phố, bên cạnh đó, gắn trách nhiệm người trường để chủ động các giải pháp, hạn chế tình trạng ngập úng, sạt lở ảnh hưởng đến nhân dân trong khu vực.

Tại huyện Hải Hà, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ngành kiểm tra, phối hợp khắc phục kịp thời tình trạng ngập lụt tại công trường xây dựng KCN Texhong Hải Hà. Huyện đã chỉ đạo các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các đơn vị khai thác đá trên địa bàn các xã Quảng Đức, Quảng Sơn bố trí lực lượng và phương tiện triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở đất, tạm thời dừng hoạt động khi thời tiết mưa lũ kéo dài; tổ chức kiểm soát 24/24h không cho người qua sông suối, cầu ngầm khi có lũ lớn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi khi có cảnh báo dông lốc trên biển; kiểm tra, đánh giá tác động của mưa lũ, công tác vận hành các hồ chứa, đặc biệt hệ thống hồ Trúc Bài Sơn và có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và hạ lưu; tổ chức kiểm soát người qua sông suối, cầu ngầm, cầu treo trên địa bàn các xã.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hải Hà, cho biết: Để chủ động đối phó với thiên tai năm 2016, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn triển khai công tác phòng chống mưa lũ, sạt lở, ngập úng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với nguy cơ ngập lụt.

Khoảng 1 giờ sáng ngày 6/7 nước đã rút, giao thông trở lại bình thường trên địa bàn TP Hạ Long và một số điểm lân cận.

                                                                                                                                                                    Doãn Xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO