Quảng Ninh: Chung tay rào… “vườn khế ngọt” !

24/11/2014 00:00

(TN&MT) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Đề án số 25 ngày 8/10/2014 về Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ chế chính sách

   
(TN&MT) - Bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả đang trở thành gánh nặng cho nguồn ngân sách. Chính vì thế, Chính phủ đã ban hành các nghị định: 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014; NĐ 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và huyện. Theo đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Đề án số: 25 ngày 8/10/2014 về: Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ chế chính sách.
   
“Đôi bạn…kẻ đói – người say”!
   
  Điển hình của sự bất cập tại tỉnh Quảng Ninh là hiện nay đang có 2 ban quản lý dự án đang tồn tại song hành. Đó là Ban QLDA các Công trình Trọng điểm; và Ban QLDA các Công trình Văn hóa – Thể thao. Dường như hai ban này trở thành hai “anh em sinh đôi” hay còn gọi là  “những đứa con của cơ chế. Bởi vì tỉnh Quảng Ninh có thể chỉ cần sắp xếp 1 ban quản lý là đủ thay vì phải 2 ban đang trở nên thừa thãi lao động như hiện nay.
   
  Hiện nay, Ban quản lý  các công trình Trọng điểm (BQLDA CT Trọng điểm) có 89 người được biên chế và 7 người thuộc diện lao động hợp đồng; quản lý 2 dự án có tổng vốn khoảng 1000 tỷ đồng nhưng tỉnh chỉ rót  vài chục tỷ đồng/năm  thì  bao giờ mới hoàn tất dự án. Vì thế Ban đành “dàn quân” theo kiểu cho nghỉ tự túc hơn ½ số còn lại giải quyết các công việc hành chính và trông  coi dự án không biết đến bao giờ…
   
   
Quảng Ninh đang lên phương án sắp xếp lại bộ máy và cơ chế hành chính để giải quyết công việc đạt hiệu quả cao. Trong ảnh: Vì "lắm thầy" nên Quảng Ninh phải thu gồi gần 1,5 tỷ đồng tiền đền bù tại thửa đất này
   
  Theo Đề án 25 thì BQLDA công trình trọng điểm sẽ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp trong quý II/2015. Vấn đề này cũng còn nhiều tranh luận vì bất cập như, nếu thành lập DN 100% vốn Nhà nước thì không đúng chỉ đạo của Chính phủ đang yêu cầu các DN Nhà nước nhanh chóng chuyển sang cổ phần hóa. Nếu thành lập DN cổ phần thì hóa ra kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt” vì  khi chức năng quản lý sẽ “núp” dưới chức năng kinh doanh. Nếu DN kiểu này làm tốt chức năng quản lý Nhà nước thì sẽ mâu thuẫn với  chức năng dịch vụ theo kinh tế thị trường. Trong khi đơn vị này chỉ có nguồn lực chủ yếu là con người với công cụ là cơ chế quản lý dự án thì định giá làm sao để cổ phần?
   
  Trong khi  BQLDA công trình trọng điểm đang “thoi thóp cầm hơi”… thì Ban QLDA các Công trình Văn hóa – Thể thao (BQLDA CTVHTT) cũng trong “cơn bĩ cực” không thua kém.  
   
  Hậu quả là hiện nay Ban này đang trong sự thiếu việc làm. Theo Giám đốc thì Ban hiện có 70 người, đang cho nghỉ việc 30 người; đúng ra chỉ cần 15 – 20 người làm việc là đủ.  Một cán bộ của Ban cũng không ngần ngại chia sẻ, Ban cũng vì sự nể nang tế nhị nên đành phải nhận lao động mà chưa thỏa mãn nhu cầu cần tuyển.
   
  Ông này cũng góp ý rằng, nếu các ban quản lý dự án của Sở GD; Sở TNMT; Sở Y tế…giải thể đi là đúng. Ban  QLDA Trọng điểm và Ban QLDA  VHTT nên dồn lại làm 1 ban là vừa. Và không nên xen lẫn chức năng quản lý Nhà nước với chức năng kinh doanh dịch vụ vì như thế sẽ xảy ra chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi” tức là khi ban trở thành DN thì DN sẽ phải “vào hùa với khách – tức nhà thầu”  để hưởng lợi nhuận chứ đâu quản lý, giám sát được nhà thầu nữa.
   
“Đứa con rơi…”!
   
  Cùng với trào lưu “trăm hoa đua nở”, Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT Quảng Ninh bây giờ cũng như “đứa con rơi” đang trong tình trạng “dở khóc, dở cười” vì thiếu lương, không có việc làm và… khắc phục hậu quả… do những yếu kém về tư vấn lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Cụ thể là Dự án xây dựng Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc mở rộng tại  phường Đại Yên – Hạ Long đã có một số thửa đất được nhận đền bù trái nguyên tắc và đang bị thu hồi lại nhiều tỉ đồng.
   
  Theo ông Vũ Cao Dũng – Giám đốc, Trung tâm  hiện nay có 21 cán bộ biên chế, 5 nhân viên hợp đồng đang hưởng 50% quỹ lương và cắt 100% quỹ lương Nhà nước vào cuối năm 2015. Gọi là Trung tâm PTQĐ chứ thực ra là tư vấn trong lập phương án đền bù GPMB để hưởng 2% tổng quỹ tiền đền bù của dự án. Trung tâm này đã cho thấy sự bất cập là dù dự án nào của tỉnh thì cũng nằm trong phạm vi  đất của các quận, huyện và ở đó đã “phủ kín” cán bộ thuộc các trung tâm PTQĐ của địa phương rồi.
   
  Thành ra Trung tâm PTQĐ của Sở TNMT Quảng Ninh trở nên “hữu danh, vô thực” vì muốn GPMB được thì phải có cả một bộ máy chính quyền đồng bộ giúp sức như: Mặt trận Tổ quốc, chi hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, công an… mới có thể GPMB được. Ông Dũng cũng cho rằng: “Cán bộ, viên chức hưởng lương Nhà nước là phải phục vụ cho quản lý Nhà nước chứ đi làm dịch vụ là không đúng mục đích, thiếu khác quan. Doanh thu dịch vụ phải để cho doanh nghiệp tự làm chứ!”.
   
  Như  vậy, mới “điểm danh” 3 tổ chức trên đã thấy rất nhiều những vấn đề bất ổn và vì thế Đề án 25 sẽ là một cuộc tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy hành chính tại Quảng Ninh sắp tới  sao cho hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn và phù hợp hơn.
   
Văn Nguyễn
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Chung tay rào… “vườn khế ngọt” !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO