Quảng Ninh cần có công nghệ khai thác than để bảo vệ môi trường

12/11/2014 00:00

(TN&MT) - Đó là phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh chiều 12/11.

(TN&MT) -  Đó là phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang trong buổi làm việc chiều 12/11giữa lãnh đạo Bộ TN&MT với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
   
   
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại buổi làm việc.
   
  Dự buổi làm việc về phía Bộ TN&MT còn có Thứ trưởng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các  Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ; Về phía tỉnh Quảng Ninh có ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy; bà Đỗ Thị Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Đỗ Thông - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và nhiều lãnh đạo các Sở, ban, ngành cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
   
  Mở đầu buổi làm việc, ông Phạm Minh Chính đã tóm tắt nhanh về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, đồng thời khẳng định Quảng Ninh đang đối mặt với: Hai mâu thuẫn là giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than với phát triển du lịch trên cùng một địa bàn. Bốn thách thức: Thách thức vừa phải phát triển kinh tế vừa phải góp phần đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ khu vực biên giới; giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao; giữa phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; giữa tăng trưởng nhanh với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
   
   
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh báo cáo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường của tỉnh.
   
  Ngoài ra, Quảng Ninh còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém: Khoảng cách giàu nghèo còn lớn, thu nhập người dân ở nông thôn còn thấp. Đầu tư còn dàn trải, chỉ số ICOR cao. Tăng trưởng nóng còn dựa nhiều vào ngành than, đồng thời để lại hậu quả môi trường nghiêm trọng. Bộ máy trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo. Tiêu cực, tham nhũng đã từng bước được khắc phục, đẩy lùi nhưng chưa thực sự bền vững. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hàm lượng khoa học công nghệ còn ít, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế.
   
  Để khắc phục được những vấn đề đó, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ quyết tâm đổi mới tư duy nhận thức thông qua định vị rõ hơn về Quảng Ninh; đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; tổ chức xây dựng quy hoạch chiến lược để kiến tạo phát triển bền vững, lâu dài; thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI; đẩy mạnh thu hút đầu tư; kết hợp tái cơ cấu nông nghiệp với thực hiện chương trình quốc gia về nông thôn mới; nâng cao hiệu quả ứng dụng, chuyển giao và làm chủ khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng và phát triển con người, thực hiện an sinh, công bằng xã hội…
   
  Về quản lí tài nguyên và môi trường, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thành xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt QCMT 100%.
   
   
Toàn cảnh buổi làm việc
   
  Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất, kiến nghị với Bộ TN&MT trình Chính phủ cho phép chưa thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, mà vẫn được áp dụng mô hình Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất như hiện nay (trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và đổi tên thành Văn phòng đăng ký đất đai cho phù hợp với tên gọi của Luật Đất đai năm 2013); cho phép Quảng Ninh vẫn áp dụng mô hình tổ chức phát triển quỹ đất như trước đây; tháo gỡ hoặc có văn bản hướng dẫn các địa phương để thống nhất thực hiện về lĩnh vực đất đai; cho Quảng Ninh triển khai thí điểm về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chọn Quảng Ninh là địa bàn điểm để chỉ đạo về tăng trưởng xanh, hỗ trợ tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách và giấy phép khai thác khoáng sản cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc; ủng hộ thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn...
   
  Ông Đỗ Thông - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã thay mặt UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện và cùng chia sẻ với địa phương để tháo gỡ nhiều khó khăn về môi trường, khai thác, chế biến và kinh doanh than, cũng như vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng... đồng thời, mong Bộ TN&MT tiếp tục quan tâm tháo gỡ cho 25 giấy phép khai thác khoáng sản sắp hết hạn, ủng hộ cho Quảng Ninh là địa phương thực hiện điểm công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như nhiều cơ chế, chính sách liên quan thuộc thẩm quyền giải quyết, kiến nghị của Bộ.
   
  Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở TN&MT báo cáo thêm: Hiện Quảng Ninh đang gặp nhiều khó khăn về công tác GPMB, phí bảo vệ môi trường trong ngành than chỉ có mình Quảng Ninh chịu, trong khi cả nước dùng than, dùng điện từ nhiệt điện; thuế bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khoáng sản Quảng Ninh được giữ 30%, Trung ương 70%, Quảng Ninh rất mong giữ lại 50% để đầu tư lại cho hạ tầng, các công trình phúc lợi khác...
   
  Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc báo cáo với Bộ TN&MT về kết quả khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản, qua đó nêu lên nhiều khó khăn mà Tổng Công ty hiện nay đang phải gặp phải: Mỏ nhỏ, hàm lượng khoáng sản ít và phân tán, công tác xử lí và bảo vệ môi trường còn nhiều vướng mắc, nhiều giấy phép mỏ sắp hết hạn... Đồng thời, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng báo cáo với Bộ trưởng về nhiều khó khăn trong công tác khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc khai thác ngày càng xuống sâu đòi hỏi kĩ thuật cao, kinh phí đầu tư lớn...
   
  Sau khi Thứ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các Tổng cục đưa ra các ý kiến giải đáp thắc mắc cũng như góp ý với tỉnh Quảng Ninh về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực Quản lý Nhà nước về TN&MT, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã phát biểu ghi nhận kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Quảng Ninh cũng như ngành Than và Tổng Công ty Đông Bắc đang gặp phải. Bộ trưởng cho rằng, phải xác định bảo vệ môi trường ở Quảng Ninh phải là vấn đề số một, làm thế nào để môi trường ở địa phương thay đổi tích cực, bằng nhiều hình thức như: Đầu tư chiều sâu công nghệ trong khai thác, chế biến than đảm bảo môi trường, nhưng phải có nguồn vốn đầu tư thỏa đáng, thu hút nhiều nguồn vốn khác nhau vào lĩnh vực này.
   
  Về lĩnh vực khoáng sản, việc cấp lại giấy phép khoáng sản, cũng như các thủ tục đóng cửa mỏ, Bộ sẽ giao cho các đơn vị làm việc cụ thể với địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang mong muốn Quảng Ninh sẽ giữ được hình ảnh xanh – sạch – đẹp trong lòng du khách và người dân, phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT trong việc triển khai các văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường. 
   
   
Đến nay, các tổ chức doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Tỉnh đã thực hiện ký quỹ môi trường đạt 611,685 tỷ đồng và là Quỹ bảo vệ lớn nhất trong cả nước; 80% nước thải từ hoạt động khai thác than đã được xử lý, hầu hết các bãi thải mỏ đã được hoàn nguyên môi trường. Về công tác quản lý tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và ứng phó biến đổi khí hậu: Quảng Ninh xác định là địa bàn có ảnh hưởng trực tiếp đến biến đổi khí hậu, thời gian qua theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và quán triệt đến các cấp ủy đảng về triển khai Chương trình hành động. Quảng Ninh cũng kiện toàn 14/14 Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và 14/14 Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Trung tâm Phát triển quỹ đất, hiện nay đang hoạt động có hiệu quả và ổn định trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký thế chấp và thực hiện giải phóng mặt bằng…
    
   
   
Việt Hùng  - Doãn Xuân – Hoàng Minh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh cần có công nghệ khai thác than để bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO