Quảng Ninh: Bảo vệ rừng ngập mặn gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

20/05/2019 18:00

(TN&MT) – Xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là xã ven biển, có hệ thống rừng ngập mặn (RNM) khá đa dạng, là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: ngán, sò, hà, tôm, cua bể... đây là tiềm năng, lợi thế mà ít địa phương có được như Hoàng Tân, trong việc phát triển kinh tế từ biển.

Ảnh 1 (1)
Rừng ngập mặn nơi cư ngụ loại ngán Hoàng Tân nổi tiếng

Với trên 600ha đất bãi triều, ven biển, dưới những tán RNM của Hoàng Tân là nơi sinh trưởng lý tưởng của nhiều loại hải sản, trong đó có những loại có hàm lượng dinh dưỡng, cũng như giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa thích như: ngán, sò, hà treo dây, tôm, cua bể. Đặc biệt, xã Hoàng Tân được biết đến bởi con ngán, ngán sinh trưởng dưới những cánh RNM, hàng năm cho sản lượng 1 tấn. Với điều kiện tự nhiên mang tính đặc thù, nên con ngán Hoàng Tân có nhiều đặc điểm khác biệt so với nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh như: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, là ngán có vỏ dày, ruột ngán có mầu thẫm hơn, nhất là hàm lượng dinh dưỡng rất cao, được thị trường, cũng như người tiêu dùng rất ưa thích.

Ảnh 2
Người dân xã Hoàng Tân thu hoạch hà treo dây

Do có giá trịnh kinh tế cao, lại được thị trường ưa chuộng, thời gian qua, việc khai thác ngán diễn ra ồ oạt, quanh năm, kể cả mùa ngán sinh sản, nên sản lượng sụt giảm khá nhanh. Nhằm phát huy khai thác hiệu quả con ngán, cũng như những loại thủy sản trong tự nhiên cũng như nuôi trồng theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như thảm RNM trên địa bàn. Hoàng Tân đã xây dựng chương trình, kế hoạch để từng bước xây dựng thương hiệu nông sản mang tính đặc trưng của địa phương, cũng như quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi ngán Hoàng Tân, hà treo dây Hoàng Tân...

Ảnh 3
Nạo vét luồng lạch giúp cho tàu thuyền chở thủy sản từ vùng NTTS dễ dàng, thuận lợi.

Từ nhiều năm nay, chính quyền xã Hoàng Tân phối hợp với các phòng chuyên môn của Thị xã Quảng Yên tiến hành đánh giá thực trạng nguồn lợi từ con ngán để xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu Ngán Hoàng Tân. Xác định muốn thành công trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi ngán thì yếu tố then chốt phải dựa vào cộng đồng dân cư. Vì vậy, xã giao cho Ban quản lý thôn 1, nơi tập có những cánh RNM tự nhiên, cũng là khu vực con ngán tập trung sinh sản, phát triển mạnh nhất, với một vùng lõi rộng trên 30 ha được bảo vệ nghiêm ngặt, nhằm bảo tồn, phát triển con ngán Hoàng Tân.

Cùng với đó, với kinh nghiệm dân gian và cơ sở khoa học, Hoàng Tân đã xây dựng được bộ quy chế về quản lý, bảo vệ, khai thác ngán, vào tháng 6-7 âm lịch hàng năm là mùa sinh sản, cấm mọi hành vi đánh bắt ngán, cấm khai thác những con ngán nhỏ đường kính dưới 3,5cm, đồng thời xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Thế, một người dân nuôi hà treo dây ở thôn 1 cho biết, nhắc đến Hoàng Tân, nhiều người nghĩ ngay đến con ngán vốn nổi tiếng từ nhiều năm qua, tiêp đến là sản phẩm hà treo dây được nuôi hoàn toàn tự nhiên ở vùng nước trong, sạch, đem lại giá trị kinh tế cao. Ý thức được tầm quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, nên những người dân địa phương dù làm nghề đánh bắt tự nhiên, hay nuôi trồng trên thủy sản ở vùng mặt nước bãi triều, cho đến các ao, đầm nuôi luôn nhắc nhau không xả rác thải, phụ phẩm thải ra từ nuôi trồng thủy sản xuống biển, sông gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát triển con ngán, những năm gần đây, Hoàng Tân còn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư nuôi trồng những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mạnh như: hà treo dây, sò, tôm, cua bể...Hiện toàn xã có trên 1.000 ha nuôi trồng thủy sản các loại, trong đó có trên 300 ha nuôi hà treo dây, sản phầm hà Hoàng Tân được tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận, từng bước đem lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động ở địa phương.

Ông Ngô Doãn Cương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Tân cho biết, hiện nay, xã đã quy hoạch được vùng lõi để khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác con ngán theo hướng bền vững. Đồng thời, cùng với việc khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản với những loại cho giá trị kinh tế cao, tiêu thụ tốt, địa phương tích cực làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường tự nhiên, nhất là những cánh RNM, vùng nước bãi triều. Cùng với đó, đẩy mạnh việc xã hội hóa trong nhân dân cùng tham gia nạo vét luồng lạch đảm bảo giao thông, tàu thuyền đi lại, cũng như giảm thải ô nhiễm môi trường vùng nước, bãi triều nuôi trồng thủy sản, góp phẩn bảo vệ môi trường tự nhiên.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Bảo vệ rừng ngập mặn gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO