Quảng Ninh: Bảo vệ nguồn gen quý từ cây dược liệu

11/11/2014 00:00

TN&MT) - Để bảo vệ nguồn gen quý từ những cây thuốc chữa bệnh, tỉnh Quảng Ninh đã nhân giống và phát triển các loại cây dược liệu quý

(TN&MT) - Để bảo vệ nguồn gen quý từ những cây thuốc chữa bệnh, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhân dân bắt tay nhân giống và phát triển các loại cây dược liệu quý để chiết xuất, bào chế thuốc…
   
Nhiều dược liệu quý
   
  Với diện tích rừng trên 388.000ha, độ che phủ đạt 51%, cao hơn so với tỷ lệ 39,7% của cả nước, rừng ở Quảng Ninh có hệ động, thực vật phong phú, gồm 1.027 loài thực vật và 120 loài động vật, đặc biệt có nhiều loài cây thuốc quý giá trị kinh tế cao như: Ba kích, bình vôi, hoằng đằng, đẳng sâm, nấm linh chi… Ngoài ra, với 250km đường bờ biển, 6.100km2 ngư trường, hơn 40.000ha bãi triều và 20.000ha eo vịnh, những khu vực này là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản có giá trị cao như: Tôm, cua, hàu, bào ngư… trong đó có nhiều loài có giá trị dinh dưỡng cao và có tác dụng làm thuốc như: Hải sâm, bào ngư, hàu…
   
   
Nhân dân trồng thí điểm các loại dược liệu quý tại huyện Hoành Bồ.
   
  Quảng Ninh có trên 600 loài dược liệu, vừa qua các nhà khoa học đã phát hiện thêm nhiều loài mới: Loài Litsea (Lauraceae) có tinh dầu hàm lượng cao; cây đảng sâm (Codonopsis javanica) thường gọi sâm hình người; lan kim tuyến (cây kim cương) tại rừng Quốc gia Yên Tử và ngoài ra còn phát hiện thêm về bộ gen cây ba kích rất đa dạng. Mặt khác theo thống kê của
   
  Trạm kiểm dịch cửa khẩu Hoành Mô, hàng năm có hàng chục ngàn tấn dược liệu như: Vỏ quế, quả hồi được xuất bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu.
  Mặc dù có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài dược liệu quý nhưng Quảng Ninh mới chỉ cho ra đời những sản phẩm như: Trà Giảo cổ lam, Trà Diệp hạ châu, Dầu xoa bóp Yên Tử… dạng bào chế còn đơn giản, giá trị chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
   
Sẽ dành ưu đãi để phát triển vùng dược liệu
   
  Trong vài thập kỉ gần đây, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, bào chế và sản xuất các chế phẩm có nguồn gốc thiên nhiên từ cây thuốc để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh. Ở Việt Nam theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam tiêu thụ hơn 50.000 tấn dược liệu mỗi năm. Chỉ tính riêng Quảng Ninh, khối các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế sử dụng 40 tấn dược liệu/năm, các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngoài công lập sử dụng trên 100 tấn dược liệu/năm.
   
  Nhận thấy việc phát triển các vùng dược liệu tập trung, quy mô lớn là nhu cầu cấp thiết, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể tham gia tích cực trồng, phát triển dược liệu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây dược liệu, đây là những hạt nhân quan trọng để hình thành những vùng dược liệu quy mô lớn như: Công ty CP Công nghệ xanh Đông Sơn – Đồng Sơ (Hoành Bồ) được tỉnh cấp phép 125ha; Công ty CP Secoin – Bình Khê (Đông Triều) diện tích cấp 180ha; Công ty TNHH trồng chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc – Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) diện tích hơn 30ha… đặc biệt Công ty CP phát triển Tùng Lâm đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Dược khoa – Trường Đại học Dược Hà Nội để xây dựng Vườn cây thuốc Yên Tử, hiện tại Vườn đã sưu tầm, lưu giữ được nguồn gen của hơn 625 loài dược liệu và trở thành vườn dược liệu lớn nhất cả nước về số loài dược liệu được lưu giữ…
   
  Để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trồng, chế biến cây dược liệu và thực hiện tốt Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng năm 2030, Ông Trương Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Xúc tiến và đầu tư Quảng Ninh cho biết: Tỉnh Quảng Ninh cam kết dành chính sách hỗ trợ tốt nhất về giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, thuê đất, lãi suất ngân hàng, nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, vùng nguyên liệu và nhiều cơ chế chính sách khác cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan tới việc nhân giống, trồng và chế biến cây dược liệu.
   
  Dự kiến đến quí III/2015, tỉnh Quảng Ninh sẽ có một nhà máy sản xuất thuốc có nguồn gốc dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, sẽ đáp ứng một phần nhu cầu dược liệu ngày càng tăng cao trong tỉnh và cả nước.
   
Lê Xuân
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Bảo vệ nguồn gen quý từ cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO