Quảng Ngãi: Tìm "kế" chống hạn vụ hè thu

10/06/2016 00:00

(TN&MT) - Vụ hè thu năm nay, tỉnh Quảng Ngãi gieo sạ gần 34.000 héc ta. Trước diễn biến khô hạn, xâm nhập mặn như hiện nay, các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực triển khai các biện pháp chống hạn để tiếp tục sản xuất vụ mùa.

Nắng nóng kéo dài, nước tại các hồ chứa ở Quảng Ngãi đang cạn dần
Nắng nóng kéo dài, nước tại các hồ chứa ở Quảng Ngãi đang cạn dần

Đất hoang vì hạn

Đã qua gần 10 ngày theo lịch xuống giống vụ hè thu của ngành nông nghiệp, nhưng tại các cánh đồng xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có thửa ruộng nào xuống giống. Gần 350 ha ruộng lúa nơi đây vẫn khô không khốc, phủ một màu trắng bạc. Kênh mương dẫn nước về cánh đồng hiện cũng khô cạn. Những bao phân được người dân chuẩn bị sẵn để bón ruộng nhưng chờ mãi vẫn không có nước. Nắng nóng kéo dài khiến hồ chứa nước Liệt Sơn – nơi cung cấp nước phục vụ sản xuất cho cả vùng đã xuống dưới mực nước chết.

Ông Trần Văn Phong (thôn Lâm Bình, xã Phổ Cường) thẫn thờ nhìn 6 sào ruộng khô nứt nẻ, xót ruộng, nhưng cũng đành bất lực vì không chống lại được thiên tai.  “Cứ tới vụ hè thu là cánh đồng này lại thiếu nước trầm trọng, cây cối không sống nổi, gieo thóc xuống mà không có nước tưới mạ cũng chết hết. Nhà nông có ruộng mà phải đi mua gạo về ăn. Khổ lắm!”- ông Phong ngậm ngùi chia sẻ.

Tương tự tại thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, thì 240 hộ dân ở đây chỉ biết thở dài ngao ngán nhìn ra cánh đồng thiếu nước, không thể gieo trồng. Gần 50ha xứ đồng này đang trơ trọi, bạc phết màu của nắng. Đồng Tân Phước nằm ở cuối đường kênh sông Giang. Những năm gần đây, thời tiết càng khắc nghiệt, dòng nước chảy về lại càng hiếm hoi. Có năm, đầu vụ hè thu, bà con phấn khởi thấy nước về liền chuẩn bị phân, giống để gieo sạ vụ mới. Thế nhưng, vừa xuống giống thì nước tắc. Người dân mất cả chì lẫn chài!

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng thôn Tân Phước, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Vì không có nước tưới, mấy năm qua, cứ đến vụ hè thu là dân phải bỏ xứ đi làm xa.

Bà con nông dân tỉnh Quảng Ngãi xuống giống đồng loạt để tiết kiệm nước tưới
Bà con nông dân tỉnh Quảng Ngãi xuống giống đồng loạt để tiết kiệm nước tưới

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi, tại 18 hồ chứa lớn do quản lý, hiện lượng nước tích tại hồ chứa cũng chỉ đạt từ 50 - 70%. Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến lượng nước tại các hồ chứa bốc hơi rất lớn so với năm ngoái, đơn cử như tại các hồ Hóc Dọc (Bình Sơn), Hố Quýt (Sơn Tịnh), Đá Bàn (Mộ Đức) và Cây Sanh (Đức Phổ). Từ tháng 7 - 8, dòng chảy trên các sông suối tiếp tục giảm dần, tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ có khả năng diễn ra trên diện rộng và xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào cửa sông, cửa biển. Do vậy, sẽ có hàng nghìn hécta đất lúa phải bỏ hoang trong vụ hè thu năm nay.

Tìm “kế” chống hạn

Trước tình cảnh thiếu nước để sản xuất lúa, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do khô hạn gây ra.

Nếu như những năm trước, vụ hè thu mới tính đến chuyện thiếu nước, thì năm nay, ngay từ vụ đông xuân, việc chuyển đổi giống cây trồng cây chịu hạn được tỉnh Quảng Ngãi tích cực triển khai góp phần tiết kiệm nước tưới tại các hồ chứa để đưa về chống hạn cho diện tích khác, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu địa phương vận động nông dân chuyển đổi được hơn 505ha diện tích lúa thiếu nước sang canh tác cây trồng cạn. Trong đó, ớt chiếm diện tích lớn nhất 158 ha, bắp 90 ha, đậu phụng 55 ha, mì 69 ha, cỏ 50 ha…

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa kém hiệu quả là yêu cầu bức thiết
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa kém hiệu quả là yêu cầu bức thiết

Ông Phan Diệp - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết, huyện đã xây dựng phương án chuyển đổi giống cây trồng cho cả năm 2016 với 770 ha, vụ đông xuân đã chuyển được gần 300 ha diện tích lúa sang cây trồng cạn như mè, bắp đậu, diện tích còn lại kiên quyết chuyển đổi trong vụ này. Với diện tích xuống giống lúa vụ hè thu, huyện khuyến cáo bà con nông dân chủ động phòng chống hạn, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ cho cả vụ mùa.

Để chủ động nguồn nước tưới, tại nhiều địa phương phương án phòng chống hạn, tiết kiệm nước tưới được đặt lên hàng đầu. Nhằm tiết kiệm nguồn nước, bà con tập trung làm đất, gieo sạ đồng loạt, tránh thả nước nhiều lần gây thất thoát nguồn nước. Ở các địa phương cũng thành lập các đội thủy nông để điều tiết, dẫn nước vào ruộng, tưới xen kẽ ướt - ráo, không để nông dân mạnh ai nấy làm, tự đào mương thả nước, gây thất thoát.

Bên cạnh đó, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã chủ động làm việc với Ban Quản lý các hồ chứa thủy điện trên địa bàn để có phương án xả nước chống hạn cho diện tích đất sản xuất của tỉnh. Ông Nguyễn Lập- Phó Giám đốc Công ty Quản  lý khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết:Nguồn nước tưới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu dựa vào lượng nước của công trình thủy lợi đập dâng Thạch Nham. Trong khi đó, nguồn nước tại đây phụ thuộc rất lớn vào thủy điện Đắc Rinh và hồ chứa nước Nước Trong. Đến thời điểm này, công ty và ban quản lý các hồ chứa thủy điện đã thống nhất xây dựng quy chế phối hợp để  điều tiết nước thực hiện đúng theo Quyết định 1480 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài & ảnh: Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Tìm "kế" chống hạn vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO