Quảng Ngãi: Tập trung xử lý ô nhiễm ở KCN, CCN và làng nghề

04/03/2019 17:40

(TN&MT) - Tình trạng ô nhiễm tại khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề ở Quảng Ngãi đã diễn ra trong thời gian dài. Để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, trong năm 2019, địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng xử lý môi trường tại một số CCN và tăng cường công tác thanh kiểm tra.

Nước thải từ Nhà máy tinh bột mì Quảng Ngãi xả thẳng ra kênh Bản Thuyền gây ô nhiễm môi trường
Nước thải từ Nhà máy Tinh bột mì Quảng Ngãi xả thẳng ra kênh Bản Thuyền gây ô nhiễm môi trường

Hàng chục năm nay người dân xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi phải luôn phải sống chung với cảnh ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của các nhà máy trong 02 KCN Tịnh Phong. Hàng ngày, nước thải, khói bụi xả trực tiếp ra môi trường khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, sản xuất ngưng trệ do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước thải từ Nhà máy sản xuất Tinh bột mì Quảng Ngãi (thuộc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi) xả thẳng suối Bản Thuyền. Ngày trước, con suối này là nơi sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, từ ngày nhà máy đi vào hoạt động, với lượng nước thải khổng lồ mỗi ngày ra suối đã làm cho suối Bản Thuyền bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều diện tích đất của bà con bỏ hoang không sản xuất được. Nguồn nước từ kênh, suối đều bốc mùi hôi thối, không ai dám sử dụng.

“Vào những ngày nắng nóng mùi hôi bốc lên, chịu không nổi. Dân đi ngang qua QL1A thấy chỗ nào hôi nhất là thôn Thế Long. Dân ở đây sử dụng nước giếng nhưng nước đã nhiễm phèn và bị ô nhiễm, không thể uống được nhưng cũng chưa có nước sạch. Tôi yêu cầu giải quyết vấn đề môi trường cho trong lành”- ông Nguyễn Dõng, thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh bức xúc.

Tại Cụm làng nghề Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi, nước thải của các doanh nghiệp cũng xả thải trực tiếp ra kênh Diệp Sơn Tịnh, đi qua xã Tịnh Ấn Tây, phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi, các xã Tịnh Ấn Đông, Tịnh Thiện và Tịnh Châu xuống xã Tịnh Hòa sau đó đổ ra biển… gây mùi hôi thối, ô nhiễm nặng nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân… Năm 2018, UBND tỉnh đã có quyết định sẽ hỗ trợ thành phố Quảng Ngãi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 500 m3/ngày đêm tại CCN, làng nghề Tịnh Ấn Tây, thế nhưng, đến nay vẫn chưa triển khai khiến người dân bức xúc.

Ông Cao Văn Cảnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh Quảng Ngãi hiện có Khu Kinh tế Dung Quất, Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP Quảng Ngãi, 4 KCN tập trung và 15 CCN, làng nghề với hàng trăm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Hiện chỉ có KCN Sài Gòn - Quảng Ngãi (Khu Kinh tế Dung Quất), KCN VSIP và KCN Quảng Phú có Trạm xử lý nước thải tập trung. Còn lại, hầu hết các CCN đã đi vào hoạt động trong khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải như CCN Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi; CCN Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ; CCN Bình Nguyên, huyện Bình Sơn…

Vì thiếu hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung nên để xử lý nước thải, không ít các cơ sở trong CCN làm trái quy định, đối nối nước thải vào hệ thống nước mưa. Bên cạnh đó, nhiều KCN mặc dù đã được đầu tư trạm xử lý nước thải nhưng lại chưa tính toán hết nên chỉ sau một thời gian hoạt động đã trở nên quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Việc đầu tư hạ tầng xử lý môi trường tại các Khu, Cụm công nghiệp, làng nghề ở Quảng Ngãi chưa đồng bộ
Việc đầu tư hạ tầng xử lý môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề ở Quảng Ngãi chưa đồng bộ

“Hầu hết các cơ sở sản xuất trong CCN, làng nghề đều có quy mô vừa và nhỏ không có khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trong khi đó nhà nước không đủ kinh phí đầu tư cho tất cả các CCN, KCN. Tỉnh cũng có chủ trương đầu tư nhưng đều phải chờ nguồn vốn, chẳng hạn tỉnh cũng đã phê duyệt ĐTM tại KCN Tịnh Phong nhưng kinh phí lên đến mấy chục tỷ nên cũng phải chờ”- ông Cao Văn Cảnh cho biết.

Cùng với sự đầu tư thiếu đồng bộ tại các các KCN, CCN thì việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường tại các cơ sở, doanh nghiệp trong KCN, CCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Năm 2018, Sở TN&MT mới chỉ mới triển khai 8 đợt thanh tra về môi trường tại 40 đơn vị. Công tác xử phạt cũng gặp nhiều khó khăn do các cơ sở trong CCN, làng nghề đều nhỏ lẻ, nếu xử phạt số tiền quá tiền thì doanh nghiệp không có khả năng nộp tiền.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính nhìn nhận, thời gian qua, việc đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chức năng đối với các dự án có nơi đánh giá đúng, có nơi thì chưa sát thực tế. Công tác kiểm soát, hậu kiểm không tốt, đa số chỉ dừng lại ở khâu tiền kiểm.

“Tỉnh sẽ có quy định, đặc biệt quan tâm công tác hậu kiểm, phải kiểm soát. Sở Tài nguyên và Môi trường cần ra “tối hậu thư”, đóng cửa các cơ sở sản xuất nếu vi phạm về môi trường”- ông Nguyễn Tăng Bính chỉ đạo.

Được biết, Sở TN &MT vừa có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND thành phố, huyện báo cáo thực trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN, từ đó, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của địa phương sẽ có giải pháp trình UBND tỉnh. Trước mắt, trong năm 2019, địa phương tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung tại CCN Tịnh Ấn Tây, CCN Bình Nguyên, CCN Sa Huỳnh… nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Tập trung xử lý ô nhiễm ở KCN, CCN và làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO