Hàng loạt khách sạn được xây dựng thiếu quy hoạch để phục vụ du khách |
Môi trường "biến dạng"
Nếu như năm 2014, trên đảo Lý Sơn chỉ có 1 khách sạn, 11 nhà nghỉ, với 95 phòng, đến năm 2016, tăng lên 4 khách sạn, 31 nhà nghỉ với tổng cộng 440 phòng. Bên cạnh đó việc nâng cấp mở rộng, bê tông hóa thêm hàng loạt tuyến đường giao thông trên đảo dẫn đến Lý Sơn bị biến dạng.
Trong văn bản báo cáo gửi các cấp thẩm quyền của tỉnh gần đây nhất, Sở VH,TT&DL Quảng Ngãi nêu rõ: "Việc xây dựng ồ ạt các công trình dịch vụ, dân sinh, buôn bán bất động sản, thiếu định hướng và quy hoạch đã làm Lý Sơn biến dạng; không phải là thay đổi theo hướng tích cực, bền vững...".
Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Ngãi cũng cho biết: Tại các điểm di tích như chùa Hang - Hang Câu, núi giếng Tiền, cổng Tò Vò... hiện, tình trạng các nhà hàng, lều, quán mọc lên tự phát quá nhiều đã xâm phạm, làm ảnh hưởng môi trường sinh thái nơi đây. Đặc biệt, việc xây dựng đường cơ động xung quanh đảo không những làm mất hàng loạt thắng cảnh đẹp như: Bãi Kiều Kiều, hang Cò và san lấp nhiều bãi biển đẹp từ hòn Mù Cu đến hang Câu; đe dọa cổng Tò Vò bị gãy đổ bất cứ lúc nào...
Thắng cảnh cổng Tò Vò có thể gãy đổ nếu tiếp tục xây dựng con đường phía Bắc đảo Lớn |
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc người dân lấy cát trồng hành tỏi, lấy đá san hô, lấy rong biển cũng tăng nguy cơ biển xâm thực. Việc làm hồ chứa nước trên núi Thới Lới, góp phần tưới cho cánh đồng hành, tỏi ở An Hải, nhưng làm mất cảnh quan tự nhiên và thảm thực vật đặc trưng của núi lửa biển trên miệng núi, mất di chỉ văn hóa thời tiền sử cách đây 30 vạn năm.
Ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi nhận định: “Hiện nay, đảo Lý Sơn đang như một đại công trình xây dựng, mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch. Bây giờ, nếu không có biện pháp khắc phục, xử lý ngay, sẽ rất khó quản lý xây dựng trên đảo, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép sẽ diễn ra tràn lan, không thể kiểm soát được”.
Thanh tra toàn diện
Trước tình trạng trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển Lý Sơn Trần Văn Minh đã yêu cầu chính quyền địa phương tiến hành tháo dỡ các hàng quán, khôi phục lại nguyên hiện trạng hang Cò, giải tỏa các hàng quán xung quanh cổng Tò Vò, không cho xây dựng lều quán ở di tích chùa Hang, hang Cau...
Lý Sơn ngày càng trở nên “nhếch nhác” trong mắt du khách |
Hiện nay, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đang tiến hành thanh tra việc sử dụng đất đai tại huyện đảo, đặc biệt tại các công trình xây dựng và sử dụng đất tại các khu vực danh lam, thắng cảnh như: hang Cò, hang Câu, chùa Đục, dọc theo tuyến đường cơ động… Những công trình xây dựng vi phạm sẽ dừng thi công; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, không phép. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; nhất là đối với các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước, hoặc cố tình hợp thức hóa các sai phạm... cũng được làm rõ. Dự kiến, đến tháng 11/2016, Đoàn thanh tra sẽ có kết quả báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy.
Đồng thời, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng giao cho Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở VH,TT&DL, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; huyện Lý Sơn kiểm tra và đề xuất phương án điều chỉnh quy mô và thiết kế dự án Đường cơ động (giai đoạn 3), bảo đảm phát triển hài hòa các mục tiêu, không làm phá vỡ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên trên đảo... Hướng dẫn huyện Lý Sơn ban hành quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Bé luôn thu hút du khách, do vậy, cần phải bảo tồn nguyên trạng |
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cũng ban hành văn bản yêu cầu huyện Lý Sơn, quản lý nghiêm ngặt việc cho thuê đất và không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi nào hoàn thành quy hoạch 1/2000 huyện đảo Lý Sơn mới có hướng chuyển đổi theo quy hoạch. Đồng thời, sớm thành lập ngay Đội quản lý trật tự đô thị, cùng phối hợp với thanh tra huyện để làm tốt chức năng quản lý đô thị, quản lý đất đai trên địa bàn.
Bài và ảnh:Võ Hà