Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố hoàn chỉnh các thủ tục, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cục bộ những vị trí khu xử lý, bãi chôn lấp hiện hữu chưa phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được phê duyệt tại Quyết định số 161/QĐ-UBND ngày 07/3/2013.
Việc điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh an toàn của khu xử lý, bãi chôn lấp đối với khu dân cư, công trình gần nhất; lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án và đảm bảo các nội dung liên quan đến công nghệ và giải pháp xử lý chất thải rắn; hoàn thành, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong tháng 11/2018.
Sau khi Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh trong quá trình lập quy hoạch tỉnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 500 tấn, nhưng công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện. Theo đánh giá của Chi cục Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền các địa phương triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn còn chậm. Nhiều điểm quy hoạch xử lý rác thải không còn phù hợp. Việc lựa chọn vị trí xây dựng khu xử lý rác thải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường theo quy định rất khó khăn. Đơn cử như bãi rác Đồng Nà (TP. Quảng Ngãi) phải dừng tiếp nhận rác, vì không đáp ứng các quy định về môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn. Công nghệ xử lý chất thải rắn chủ yếu là đốt và chôn lấp, tốn nhiều diện tích đất gây quá tải bãi chôn lấp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu thu gom 95% tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh và 50% tổng lượng chất thải rắn nông thôn; trong đó có 85% chất thải rắn đô thị được tái chế, tái sử dụng thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ. Đồng thời, đầu tư xây dựng và hoàn thiện công nghệ xử lý tại các khu liên hiệp xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp.