Quảng Ngãi: Phát triển "nóng" và hệ lụy môi trường

05/12/2016 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi phát triển “nóng” khi nhiều dự án lớn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Bên cạnh tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì việc phát triển “nóng” đang kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị, khu kinh tế, công nghiệp, khu dân cư .

Báo động ô nhiễm

Hiện Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất, 3 KCN đang hoạt động, 11 CCN, 22 làng nghề và hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Trung bình mỗi ngày, KKT, KCN, các làng nghề trong tỉnh thải ra môi trường hàng triệu m3 nước thải.

Tuy nhiên, hiện chỉ có KCN Quảng Phú và KCN VSIP đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. còn lại hầu hết các KCN, CCN, làng nghề chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc xây dựng thiếu đồng bộ, chậm tiến độ. Các doanh nghiệp trong các KCN, CCN mới chỉ xử lý sơ bộ, do đó chất lượng nước thải hầu hết không đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.

Ô nhiễm nghiêm trọng nhất khiến người dân liên tục kêu cứu là tại CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi). Hiện CCN này có 13 cơ sở đang hoạt động với các ngành nghề chế biến nước mắm, sản xuất giấy, sản xuất bột mì, nhựa... Tuy các cơ sở này đều có hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, nhưng thực tế chỉ có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ rồi thải ra suối cầu Kênh. Từ năm 2014 đến nay, các ngành chức năng của TP. Quảng Ngãi đã kiểm tra, giám sát và xử phạt nhiều cơ sở ở CCN này do vi phạm về môi trường như cơ sở sản xuất giấy Thiên Long; cơ sở sản xuất đũa tre Hoàng Hảo; cơ sở sản xuất nhựa Trang Khánh Linh; cơ sở sản xuất nhựa Minh Phú…

Ngoài tình trạng ô nhiễm nặng từ các KKT, KCN, làng nghề thì tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, các vùng biển cũng đáng báo động. Tại hầu hết các cảng cá như Sa Kỳ, Sa Huỳnh, Sa Cần, Lý Sơn… rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất tẩy rửa… tràn lan trên bờ, dưới nước. Tại các khu du lịch, bãi tắm Mỹ Khê, Khe Hai, Sa Huỳnh, nước thải và rác từ hàng trăm nhà hàng cũng xả thẳng ra biển hằng ngày. Vào những thời điểm sau những dịp lễ, Tết hay ngày hè… mùi hôi thối bốc lên khiến cư dân ven biển “ngạt thở”.

Khó xử lý triệt để

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, do cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ, trong khi đó bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực nên thực trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động kinh tế ngày càng gia tăng.

Một thực tế nữa là lâu nay, nhiều địa phương chỉ chú trọng đến công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, tuy nhiên công tác thẩm định hồ sơ báo cáo tác động môi trường còn xem nhẹ. Bên cạnh đó, công tác thẩm định hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường ở hầu hết các địa phương chưa có chất lượng và việc hậu thẩm định bản cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp cũng chưa được chú trọng.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương của tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề môi trường chưa được chặt chẽ và thường xuyên. Mức xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm hiện nay vẫn còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Trong khi ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế thì công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường thời gian qua còn khá yếu…

Bà Trần Thị Hà Vũ - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ngãi thừa nhận: Thời gian qua, hầu hết các chủ dự án không thực hiện đúng quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường nên đã để xảy ra một số điểm “nóng” về môi trường. Về vấn đề này, Chi cục BVMT đã tham mưu cho Sở TN&MT có công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện. Đồng thời, trong các cuộc thanh tra, kiểm tra Chi cục cũng đã hướng dẫn, nhắc nhở các chủ dự án thực hiện nội dung này. Trong thời gian đến, Chi cục BVMT sẽ đẩy mạnh công tác hậu kiểm, xử lý các trường hợp không thực hiện đúng các nội dung yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường và các quy định hiện hành.

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, thiết nghĩ ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tại KKT, KCN, cụm công nghiệp. Các cơ quan chức năng tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Bài & ảnh: Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Phát triển "nóng" và hệ lụy môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO