Quảng Ngãi: Ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm dọc bờ biển

Lan Anh| 22/06/2021 11:43

(TN&MT) - Từ khi UBND xã Phổ An (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có chủ trương cho các hộ dân thuê đất dọc theo bờ biển thôn An Thổ để nuôi tôm thẻ chân trắng, nhiều hệ lụy đã xảy ra.

Năm 2011, UBND xã Phổ An tổ chức đấu giá quyền được thuê đất để nuôi trồng thủy sản trên cát. Theo kết quả đấu giá trúng có 101 hộ với 101 lô, tổng diện tích 317.493 m. Thời hạn sử dụng 19 năm từ năm 2011 đến năm 2030. Sau khi đấu giá trúng, xã Phổ An đã phân lô giao diện tích cho các hộ trúng đấu giá đầu tư cải tạo hồ để đưa vào sản xuất với diện tích theo đấu giá để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

Hồ nuôi tôm của người dân xã Phổ An xả thải trực tiếp ra biển, gây ô nhiễm cả một vùng

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân nuôi ươm con giống trước khi thả xuống hồ chính, từ năm 2013 đến năm 2018, UBND xã Phổ An đã cho 71 hộ mượn tạm diện tích hàng năm, với tổng diện tích 34.223 m. Tuy nhiên, trong quá trình làm hồ ươm một số hộ đã tự ý lấn chiếm đất để mở rộng hồ ươm, hộ ít thì lấn chiếm đất từ 7-8 mét, nhiều thì 10-15 mét.

Đáng nói là, từ khi UBND xã Phổ An cho các hộ trúng đấu giá nuôi tôm thì nhiều hộ đã tự ý xây dựng kho đựng vật tự nằm phía trong rừng phòng hộ. UBND xã Phổ An đã giải quyết và hiện nay vẫn phải tiếp tục xử lý tình trạng lấn chiếm rừng phòng hộ cho mục đích khác. Ngoài ra, trong quá trình đắp và gia cố bờ hồ, các hộ nuôi tôm còn lấy đất cát để bán vì mục đích kinh tế. Theo UBND xã Phổ An, địa phương đã cương quyết xử lý và không còn trường hợp tái diễn.  

Những gốc dương trong rừng phòng hộ dấu hiệu bị chặt phá và đốt để phục vụ việc nuôi tôm

Không những thế, do quá trình nuôi tôm thua lỗ, các hộ nuôi tôm đã bỏ hồ xử lý nước thải và tiếp tục nuôi theo kiểu truyền thống là hút và xả thải trực tiếp ra biển, lâu ngày đã gây ô nhiễm trong vùng đáng kể.

Ông Võ Minh Vương, phó Chủ tịch UBND Thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian đến, UBND thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND xã Phổ An mời tất cả các hộ nuôi tôm trên cát, quán triệt và cam kết không được lấn chiếm diện tích; không tự ý chặt phá rừng phòng hộ đối với một số hồ có vài cây dương xung quanh hồ; cam kết bảo vệ môi trường, có biện pháp xử lý nước thải trước khi xử lý xuống biển…

Tỉnh Quảng Ngãi đang tính đến phương án hạn chế nghề nuôi tôm để bảo vệ môi trường

“Về lâu dài, UBND thị xã sẽ có các giải pháp để chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác để hạn chế ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần ổn định kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động.”- ông Vương cho hay.

Nhiều năm nay, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi  nhưng hầu hết các vùng nuôi trên cát đều không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn. Hầu hết nước thải được người dân xả thẳng ra bãi cát ven biển và ra biển. Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ của ngành nông nghiệp, bình quân mỗi hecta nuôi tôm trên cát thải ra hơn 5 tấn chất thải rắn như vỏ tôm khi tôm lột vỏ, cùng thức ăn dư thừa và hàng nghìn mét khối nước thải. Đây được xem là nguyên nhân khiến môi trường ven biển tỉnh Quảng Ngãi dần bị suy thoái.

Tại cuộc họp về định hướng phát triển thủy sản bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, rà soát lại thực trạng nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh và hạn chế phát triển nghề nuôi trồng này trong tương lai để bảo vệ môi trường, vừa thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm dọc bờ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO