Quảng Ngãi: Người dân vùng cao thiếu đất sản xuất

29/05/2017 00:00

(TN&MT) - Trong khi đất lâm nghiệp giao cho các tổ chức, doanh nghiệp bị bỏ hoang, lãng phí thì người dân lại thiếu đất để sản xuất. Thực tế này đang diễn ra ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi suốt thời gian dài, gây bức xúc trong dân.

Lãng phí đất

Theo số liệu thống kê của 6 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, tính đến nay, đã có khoảng 50.300 hộ được giao đất và cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn gần 8.300 hộ thiếu hoặc chưa có đất sản xuất với diện tích có nhu cầu cần sử dụng là 4.916ha. Trong đó, các hộ dân ở huyện Sơn Hà cần đất sản xuất nhiều nhất với diện tích 1.415ha. Tiếp đến là các huyện Ba Tơ 1.300ha, Minh Long 1.000ha, Trà Bồng 600ha, Sơn Tây 431ha và Tây Trà 102ha.

Điều đáng nói, hàng ngàn hecta đất rừng giao cho các doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả đã thu hồi nhưng vẫn chưa giao lại cho dân để phát huy hiệu quả. Chỉ tính riêng ở 2 huyện miền núi Ba Tơ và Trà Bồng, có đến 7 doanh nghiệp được giao hơn 20.300 ha rừng và đất rừng nhưng có gần 7.400 ha để đất hoang hóa và bị người dân chiếm dụng trái phép. UBND tỉnh chỉ đạo huyện Trà Bồng và Ba Tơ lập, thực hiện phương án giao đất đối với diện tích đã thu hồi để cấp lại cho nhân dân thiếu đất sản xuất. Thế nhưng hiện nay, huyện Ba Tơ và Trà Bồng vẫn chưa thực hiện giao số đất đã thu hồi này cho người dân. Chỉ riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân quản lý gần 2.500 ha đất lâm nghiệp, mới sử dụng 240 ha đất để trồng cây nguyên liệu, chiếm 10% diện tích được cấp. Gần 90% diện tích còn lại bị bỏ hoang. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân nghèo ở các xã Trà Tân, Trà Bùi... lại không có đất sản xuất.

Hàng ngàn hecta đất rừng thu hồi của doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả nhưng vẫn chưa giao lại cho dân
Hàng ngàn hecta đất rừng thu hồi của doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả nhưng vẫn chưa giao lại cho dân

Ông Hồ Văn Vĩ, một người dân ở xã Trà Tân, huyện Trà Bồng bức xúc, nghịch lý này xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa được quan tâm giải quyết. Đất của Công ty lâm nghiệp trồng cây không có hiệu quả. Nhà nước cần lấy lại của lâm trường giao lại cho dân sản xuất canh tác, để xóa đói giảm nghèo cho dân. Dân rất nghèo khổ mà đất bỏ hoang như vậy rất vô lý.

Bà Hồ Thị Xán, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng bày tỏ: Nghe Nhà nước thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp không sử dụng để cấp lại cho dân trồng rừng mình mừng lắm. Vậy mà chờ mãi chưa thấy được giải quyết. Người dân làng mình mong nhận được thêm đất để trồng keo, trồng mì.

Sớm bố trí quỹ đất cho dân

Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, việc sử dụng đất rừng của địa phương chưa hiệu quả. Vai trò tham mưu, quản lý Nhà nước của Sở TN&MT và Sở NN&PTNT trong công tác giao đất, giao rừng chưa thật sự tốt. Còn các huyện miền núi chưa thường xuyên chỉ đạo kịp thời, sâu sát trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, về giao đất, giao rừng, quản lý bảo vệ rừng và cấp giấy CNQSDĐ.

Lãnh đạo Sở TN& MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để phát huy hiệu quả đất rừng, địa phương đang tăng cường quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và bảo vệ phát triển rừng ở miền núi. Các cấp, ngành nâng cao trách nhiệm, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp về quản lý đất đai và bảo vệ phát triển rừng. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan, tăng cường kiểm tra, thanh tra về quản lý sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng.

Lãnh đạo địa phương kiểm tra công tác giao đất, giao rừng cho dân
Lãnh đạo địa phương kiểm tra công tác giao đất, giao rừng cho dân

Để bố trí quỹ đất cho các hộ thiếu hoặc chưa có đất sản xuất, Sở TN&MT Quảng Ngãi đã làm các thủ tục thu hồi phần diện tích đất của các Công ty lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả hoặc không sử dụng nhằm bàn giao cho các UBND huyện lập phương án giao đất cho người dân.

Tổng diện tích đất dành để lập phương án giao đất cho nhân dân trên địa bàn 6 huyện miền núi là 19.533ha. Trong đó, giao cho Ba Tơ 7.200ha, Trà Bồng 5.876ha, Tây Trà 8.184ha, Sơn Hà 1.952ha, Sơn Tây 708ha và Minh Long 566ha.

Sở TN&MT cũng đã phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện tham mưu UBND tỉnh bố trí hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và lập phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Dự kiến, công tác giao đất cho nhân dân sẽ hoàn thành trong năm 2017.

Bài & ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Người dân vùng cao thiếu đất sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO