Quảng Ngãi: Nan giải xóa lò gạch thủ công

30/10/2017 00:00

(TN&MT) - Dù gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh do khói bụi, tiếng ồn, thế nhưng, việc triển khai thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân là do sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Khốn khổ vì ô nhiễm

Đi dọc ven sông Vệ đoạn qua thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi từ xa đã thấy khói bay lên từ hàng chục lò gạch thủ công nằm xen trong các khu dân cư. Khói bụi nghi ngút cùng với tiếng ồn, mùi hôi từ các lò gạch thủ công “tra tấn” người dân mỗi ngày. Ông Nguyễn Tình, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa cho biết: Hàng chục năm nay, gia đình ông phải hít khói bụi độc hại từ 3 lò gạch thủ công ở gần nhà. Những ngày đốt lò, gia đình ông phải đóng kín cửa, thậm chí nhiều lúc rời khỏi nhà vì không chịu nỗi khói bụi bay ra từ các lò gạch này. “Ở cái xứ nắng bụi, mưa bùn này, người dân phải sống chung với ô nghiễm do các lò gạch gây ra. Nhiều người đã bị bệnh viêm đường hô hấp và dị ứng da. Nhưng ở đây, nhà nhà làm gạch, người người làm gạch, biết phải làm sao?”- ông Tình bức xúc.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà theo ông Tình thì hầu hết cây cối, hoa màu nằm cạnh lò gạch hoặc bị khói lò gạch “quét” qua đều bị khô lá, rụng trái; đồng thời còn ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc.   

Nhiều lò gạch còn ở ngay sát trường học ngày ngày nhả khói bụi độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của  học sinh và giáo viên. Đồng thời, gây ra tình trạng mất an toàn giao thông trước cổng trường do hàng trăm lượt xe chở đất, gạch mỗi ngày.

Hàng trăm lò gạch thủ công ở Quảng Ngãi vẫn nhả khói ngày đêm gây ô nhiễm môi trường
Hàng trăm lò gạch thủ công ở Quảng Ngãi vẫn nhả khói ngày đêm gây ô nhiễm môi trường

Ông Nguyễn Công Binh- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa xác nhận tình trạng khói bụi từ các lò gạch thủ công ảnh hưởng đến học sinh các điểm trường đã diễn ra từ lâu xong địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm.

“Xã Nghĩa Mỹ hiện có 19 lò gạch thủ công đang hoạt động, trong đó có 4 lò nằm gần điểm trường Tiểu học Nghĩa Mỹ. Dù chính quyền địa phương đã mời các chủ lò lên làm việc, yêu cầu cam kết chỉ đốt lò vào thứ bảy, chủ nhật nhưng chủ lò chỉ chấp hành được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy.”- ông Binh cho biết.

Cần sự quyết liệt

Theo quyết định 222 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc triển khai chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trước năm 2013, phải chấm dứt hoạt động sản xuất của lò gạch thủ công trong khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, khu vực gần khu dân cư… tại các huyện đồng bằng. Trước năm 2014, phải chấm dứt hoạt động sản xuất của lò gạch thủ công tại các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng. Lộ trình đã có, thế nhưng việc triển khai để xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, kết quả không như mong đợi. Trước đây, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 400 lò gạch thủ công, đến nay vẫn còn 243 lò gạch thủ công, mới chỉ giảm 157 lò.

Ông Nguyễn Phong- Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi lý giải: Sự phối hợp và vào cuộc của các sở ngành và địa phương liên quan chưa đồng bộ, chưa quyết liệt, nhất là công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất bằng lò thủ công; chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để việc vận chuyển cung cấp đất sét được tận thu từ hoạt động cải tạo đồng ruộng cho các lò gạch thủ công. Người tiêu dùng vẫn còn thói quen sử dụng sản phẩm gạch đất sét nung bằng lò gạch thủ công, nhất là người dân ở vùng nông thôn...

Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc thù, việc xóa lò gạch thủ công ở Quảng Ngãi vẫn mãi là lộ trình phấn đấu
Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc thù, việc xóa lò gạch thủ công ở Quảng Ngãi vẫn mãi là lộ trình phấn đấu

Tuy nhiên, theo người dân chính sự vào cuộc thiếu liệt của chính quyền là nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc thực hiện  xóa bỏ lò gạch thủ công ì ạch. Ông Nghiêm Văn Phong chủ một lò gạch thủ công ở xã Nghĩa Hà, Tư Nghĩa cho rằng, từ năm 2013, tiếp nhận chủ trương xóa lò gạch thủ công của UBND tỉnh, ông Phong đã đề xuất chính quyền địa phương và ngành chức năng xem xét, bố trí quỹ đất để di chuyển lò gạch thủ công ra xa khu dân cư; đồng thời nghiên cứu hỗ trợ họ trong việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới, thân thiện với môi trường. Song, kiến nghị này đến nay, vẫn chưa được giải quyết.

“Đề nghị UBND tỉnh cần sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế hỗ trợ như vốn vay, tiền thuê đất, trang thiết bị máy móc để người dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang không nung.”- ông Phong kiến nghị.

Ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho rằng, nghề làm gạch là nghề truyền thống của nhiều hộ gia đình, do vậy việc chuyển đổi nghề nghiệp là không dễ dàng. Chính quyền địa phương rất muốn di dời lò gạch thủ công nhưng thiếu đất để quy hoạch khu sản xuất tập trung và không đủ khả năng hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch không nung.

Ngoài ra, việc tuyên truyền sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh cũng chưa được chú trọng. Các địa phương khác như Đà Nẵng, Quảng Nam… đã cơ bản xóa được tình trạng hoạt động của các lò gạch thủ công do việc triển khai sản xuất và sử dụng gạch không nung được thực hiện quyết liệt. Đến nay, 100% các công trình xây dựng cơ bản tại Đà Nẵng sử dụng vốn ngân sách đều bắt buộc phải sử dụng gạch không nung. Do đó, UBND tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ quy định 100% công trình sử dụng ngân sách phải sử dụng gạch không nung, tạo điều kiện cho DN sản xuất sản phẩm này hoạt động ổn định. Có như vậy, mới thay đổi dần thói quen sử dụng vật liệu xây dựng của người dân, dần dần xóa bỏ các lò gạch thủ công.

Bài, ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Nan giải xóa lò gạch thủ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO